Thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Huyện Bảo Thắng có lợi thế nằm ở vị trí hành lang kinh tế phía Nam của tỉnh Lào Cai; địa bàn trải rộng trên 68.219,31 ha, gồm 15 xã, thị trấn; đường biên giới dài 6,8 km; khí hậu ôn hòa, các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn như đường sắt, đường bộ (Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...) và đường thủy.

Trong những năm qua, suy thoái kinh tế và những vấn đề phức tạp nảy sinh trong khu vực, trên thế giới, kể cả tình hình dịch bệnh, thời tiết trong nước diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Song, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong huyện, nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

Lãnh đạo huyện tiếp nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đều đạt 48,9%; công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng từ 18,6% năm 2010 lên 26,9%; thương mại - dịch vụ tăng từ 32,5% lên 38,3%. Việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt (tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2015 chiếm 46,55% nội ngành nông nghiệp); tổng sản lượng lương thực có hạt 36.600 tấn, vượt 9% mục tiêu Đại hội; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 58,61 triệu đồng, vượt 24,7% mục tiêu Đại hội, tăng 23 triệu đồng so với năm 2010. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung với hình thức gia trại, trang trại, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ nuôi lợn siêu nạc, nuôi gà lạnh theo công nghệ Thái Lan đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Toàn huyện có 122 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại; 160 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô lớn. Tổng đàn gia cầm hiện có là 1.425.000 con, tăng 62% so với năm 2010; đàn lợn 161.012 con; thành lập được 1 công ty sản xuất giống gia cầm, thủy cầm; chuẩn bị các điều kiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Xuân Giao.

Triển khai có hiệu quả dự án cải tạo vườn tạp cây ăn quả; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: Ghép cải tạo 3.004 cây nhãn, trồng mới 6.597 cây nhãn chín muộn; trồng mới 66.400 cây na dai, nâng tổng diện tích na trồng mới lên 90 ha, tương đương 74.700 cây (tập trung tại xã Phong Niên, Xuân Quang); trồng mới 12.425 cây cam V2 (tương đương 19,88 ha); tiến hành quy trình đăng ký nhãn hiệu bưởi Múc và nhân giống bưởi Múc với diện tích 270 ha trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai dự án phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa giai đoạn 2015 - 2018.

Công tác bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm. Đến nay, diện tích che phủ rừng đạt 50,54 %, vượt 1,1% mục tiêu Đại hội. Việc trồng rừng sản xuất gắn với vùng nguyên liệu nhà máy chế biến lâm sản (tập trung tại các xã: Sơn Hải, Sơn Hà, Xuân Giao, Gia Phú, Xuân Quang, Phong Niên, Phong Hải); phát triển cây quế, hình thành vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh dầu quế tại xã Xuân Quang... Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản ước đạt 9.153 tỷ đồng vào năm 2015 (trừ công nghiệp Trung ương, đạt 1.186 tỷ đồng, tăng 711 tỷ đồng so với năm 2010, đạt 144,13% mục tiêu Đại hội). Năm 2014, trên địa bàn huyện được đầu tư 120 công trình/11 lĩnh vực, tăng 3 lĩnh vực so với năm 2013; tổng mức đầu tư 183,731 tỷ đồng, tăng 62,731 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng giá trị ngành thương mại - dịch vụ năm 2015 ước đạt 1.590 tỷ đồng, tăng 870 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 17,17%/năm.

Thu ngân sách nhà nước hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, do đó, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc với cơ sở hạ tầng khang trang, sạch, đẹp. Đến nay, 15/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; toàn huyện đã bê tông xi-măng được 235 km, rải cấp phối 65 km đường giao thông nông thôn. Trong 5 năm qua đã đầu tư xây mới 92 điểm trường mầm non; 71 nhà công vụ giáo viên; 8 trạm y tế; 33 công trình thủy lợi với 62,9 km kênh mương nội đồng. Đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các xã, thị trấn, đưa tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 85%. Phú Nhuận - xã điểm về xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn năm 2014; năm 2015 phấn đấu thêm 3 xã: Sơn Hải, Xuân Quang, Xuân Giao đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế đối ngoại không ngừng phát triển và mở rộng. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường được chú trọng, với mục tiêu phấn đấu xây dựng thị trấn Phố Lu trở thành đô thị loại IV vào năm 2020. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư, ngày càng nâng cao về chất lượng. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82%. Thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn huyện hiện có 208/262 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa, vượt 9,3% mục tiêu Đại hội; 95,1% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 6/15 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 100% hộ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam, đạt 100% mục tiêu Đại hội; 97,5% hộ xem được Truyền hình Việt Nam, vượt mục tiêu Đại hội...

Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Năm 2014, đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện, kết quả đạt loại giỏi. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Quy chế dân chủ thực hiện ngày càng hiệu quả, thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Do đó, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XVI thông qua 9 nghị quyết

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình làm việc đề ra.

Thanh niên Lào Cai: Bước tiến nổi bật trong phong trào khởi nghiệp

Trong bối cảnh khởi nghiệp đang trở thành xu hướng toàn cầu, thanh niên Lào Cai đã chứng minh khả năng bắt nhịp và vượt qua thách thức để đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số mở ra không gian mới cho sự phát triển của Lào Cai

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại. Sớm nắm bắt và triển khai sẽ mang lại cơ hội lớn cho tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai đã tập trung cho công tác lãnh chỉ đạo nhằm phát huy...

Khai mạc Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh) HĐND tỉnh khóa XVI

Chiều 30/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh).

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai

Chiều 30/9, tại thành phố Lào Cai, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ.

Lào Cai có 2 thanh niên được vinh danh "Gương thanh niên sống đẹp" năm 2024

Anh Bàn Văn Lư, cán bộ Công an xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên và anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà là 2 trong số 20 thanh niên được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh "Gương thanh niên sống đẹp" năm 2024.