Vì môi trường sống trong lành

Nhiều thành phố trên thế giới đẩy mạnh việc đưa xe công vụ chạy điện vào hoạt động nhằm tận dụng chính sách ưu đãi của các chính phủ. Xu hướng sử dụng xe điện ngày càng phổ biến, góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành.

Ảnh minh họa: Xe buýt điện tại Indonesia.

Chính quyền thành phố New York của Mỹ đang nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng xe điện trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Thành phố này sẽ mua xe điện mới thay thế hơn 900 ô-tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, lắp đặt thêm 315 trạm sạc phục vụ xe điện, sau khi nhận khoản trợ cấp 10,1 triệu USD được giải ngân theo chương trình xanh hóa hệ thống xe công vụ của Chính phủ Mỹ. New York hiện có hơn 4.000 xe điện thuộc sở hữu chính quyền.

Với kế hoạch nêu trên, đến cuối năm 2023, xe điện sẽ chiếm 20% tổng số xe công vụ ở thành phố có mật độ dân số lớn nhất nước Mỹ này. New York đã lắp đặt hơn 1.360 cổng sạc, 120 cổng sạc nhanh, 106 cổng sạc năng lượng mặt trời và có kế hoạch bổ sung 600 cổng sạc trong 18 tháng tới. Mục tiêu là lắp đặt 1.000 cổng sạc dọc các tuyến đường trước năm 2025 và 10.000 trạm sạc năm 2030.

Quyết tâm của chính quyền New York thúc đẩy sử dụng xe điện khởi nguồn từ việc Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) ký đạo luật H.R.3684 Đầu tư hạ tầng, trong đó dành 1.000 tỷ USD xây dựng hạ tầng xe điện tại Mỹ, cũng như thực hiện các dự án xây dựng cầu đường và giao thông công cộng.

Trên thực tế, quá trình xanh hóa xe công vụ của Chính phủ Mỹ đã được thực hiện từ sớm. Báo cáo của Nhà Trắng cho biết, các cơ quan liên bang đã tăng gấp năm lần số xe điện và xe hybrid, đưa số lượng xe thân thiện môi trường mua mới từ mức 1% năm 2021 lên 12% năm 2022, tương ứng 3.567 xe.

Tại Indonesia, Cơ quan Giao thông vận tải Jakarta vui mừng thông báo, công ty điều hành xe buýt Transjakarta thuộc sở hữu của chính quyền thủ đô Jakarta đã nhận được khoản trợ cấp 3.900 tỷ rupiah (250 triệu USD) để trợ giá cho dịch vụ xe buýt điện.

Theo đó, với 120 đầu xe mới được bổ sung từ nguồn ngân sách thành phố, công ty dự kiến vận hành tổng cộng 220 xe buýt điện tại Jakarta vào cuối năm 2023. Việc mở rộng đội xe buýt điện của Transjakarta nhằm thực hiện Tuyên bố quốc tế về đường phố xanh và sạch C40 mà Jakarta cùng 33 thành phố khác đã ký kết vào tháng 9/2019.

Chính quyền Jakarta mua sắm xe buýt điện thông qua Cơ chế mua dịch vụ (BTS), trong đó các nhà khai thác bỏ tiền mua xe buýt, sau đó thành phố sẽ hoàn tiền cho họ theo mức giá cố định tính trên mỗi km. Cuối năm 2020, Transjakarta đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng số xe buýt điện lên 10.000 chiếc vào năm 2030 nhằm cải thiện chất lượng không khí tại khu vực thủ đô đang bị ô nhiễm nặng.

Trưởng bộ phận kế hoạch Transjakarta Candra Rakhmat cho biết, mục tiêu của Jakarta là xe buýt điện chiếm ít nhất 50% tổng số xe của Transjakarta năm 2025 và 100% năm 2030.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết, chính phủ đang hoàn thiện kế hoạch trợ giá khoảng 6,5 triệu rupiah (413 USD) cho mỗi xe máy điện nhằm thúc đẩy doanh số bán tại Indonesia. Bộ trưởng Luhut cho biết thêm chính phủ cũng sẽ sớm lên kế hoạch trợ giá tương tự cho ô-tô điện.

Indonesia đặt mục tiêu có ít nhất 1,2 triệu xe máy điện và 35.000 ô-tô điện được đăng ký sử dụng vào năm 2024. Indonesia đã có các biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất xe điện từ năm 2019 như giảm thuế, cấm xuất khẩu quặng niken nhằm bảo đảm nguồn cung sản xuất xe điện và pin xe điện trong nước, xây dựng nhà máy sản xuất lithium và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu… nhằm đưa Indonesia trở thành một trung tâm sản xuất xe điện trên thế giới.

Xe điện đang dần được coi là xu hướng tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh, để xe điện trở thành một sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, các nhà sản xuất cần cải tiến để pin xe điện không còn là nỗi lo đối với môi trường.

https://nhandan.vn/vi-moi-truong-song-trong-lanh-post733900.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.