Ngoại giao Việt Nam: Vững bước đi theo con đường của Bác

Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, 74 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành và đạt nhiều thành tựu to lớn mang tính lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cứ đến ngày 28/8 hằng năm, các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao đều tự hào nhớ về ngày thành lập ngành, nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người sáng lập và đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đã tròn 50 năm kể từ ngày Bác đi xa và dân tộc ta thực hiện Di chúc của Người, Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam. Đối với các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam, Bác Hồ luôn là người Thầy lớn, một thiên tài ngoại giao đã xây dựng một phong cách ngoại giao Việt Nam. Những tư tưởng, phương châm kinh điển mà Bác chỉ ra như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, ngoại giao tâm công, “Ngũ tri” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến) là bài học nằm lòng đối với các cán bộ làm công tác đối ngoại. Dưới ánh sáng của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, 74 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành và đạt nhiều thành tựu to lớn mang tính lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoại giao Việt Nam đã kế thừa tinh hoa ngoại giao truyền thống của ông cha ta, đồng thời phát huy được những giá trị mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cùng với những “binh chủng” khác, ngoại giao luôn có mặt ở tuyến đầu. Với tài trí ngoại giao và nhãn quan chiến lược sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền ngoại giao cách mạng đã thực hiện chủ trương “hòa để tiến” bằng Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, góp phần giữ vững thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ trước hiểm họa thù trong giặc ngoài, kéo dài thời gian hòa bình để chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ngoại giao đã thực sự trở thành một mặt trận, sát cánh cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Hiệp Geneva 1954 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành những dấu ấn lịch sử của nền ngoại giao cách mạng, hiện thực hóa chủ trương giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng bằng Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong thời bình, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Ngoại giao 28 (2013), “Ngoại giao đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước”. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã tỏ rõ tính đúng đắn, phục vụ hiệu quả các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nhờ đó, từ chỗ bị bao vây cô lập, đến nay Việt Nam đã tạo dựng được môi trường đối ngoại thuận lợi. Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế khác ngày càng được coi trọng. Việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu) và đảm nhận thành công rất nhiều trọng trách đa phương như chủ nhà APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai (2019) đã khẳng định tầm vóc và vị thế mới của đất nước. Có thể nói, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ khi Người phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao năm 1964 về mục đích của ngoại giao: “Nói tóm tắt là nâng cao địa vị quốc tế của nước mình”.

Đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế: Yếu tố cơ bản để thành công

Đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là một trong những nội dung cốt lõi trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã khái quát tư tưởng ấy qua hai câu thơ rất giàu hình ảnh:

“Quan sơn muôn dặm một nhà

Vì trong bốn biển đều là anh em”.

Bám sát tư tưởng đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại luôn là phương châm và cũng là bài học lớn của ngoại giao Việt Nam. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Chúng ta nhận thức rõ sức mạnh của ngoại giao bắt nguồn từ sức mạnh tổng hợp của muôn triệu người con đất Việt cùng đồng tâm, nhất trí, cùng nhìn về một hướng, luôn hành động vì lợi ích quốc gia-dân tộc. Sức mạnh ấy cũng đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại để cùng góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy. Sức mạnh ấy đến từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với chính nghĩa và các lợi ích chính đáng của Việt Nam - một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh với hội nhập quốc tế

Ngay trong những tháng ngày đất nước còn chiến tranh, chưa được thống nhất, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế đã được thể hiện rất rõ. Người khẳng định: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”. Thực hiện tầm nhìn chiến lược đó của Bác, ngoại giao Việt Nam đã làm tốt vai trò “mở đường”, “cầu nối”, đồng hành với các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong những chặng đường hội nhập của đất nước. Nhiều chủ trương, chính sách lớn đã được ban hành và triển khai. Những thành tựu của công cuộc Đổi mới gần 35 năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao trong tiến trình hội nhập quốc tế. Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995, APEC năm 1998, trở thành thành viên sáng lập của nhiều diễn đàn, liên kết khu vực và quốc tế quan trọng như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), ký Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu… Những bước đi chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế đã mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng quốc tế, đúng như phương châm Bác Hồ đã từng căn dặn.

Tầm nhìn mới, tư duy mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng khả năng thích ứng, điều chỉnh nhạy bén của ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới. Quan điểm của Người là: “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới… Chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 (8/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại theo hướng “dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.

Tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động nhanh chóng và sâu sắc. Nhiều nước lớn và các đối tác chủ chốt của ta đã và đang có những điều chỉnh chính sách quan trọng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại cả những cơ hội và thách thức đối với đất nước. Do đó, đổi mới tư duy và nâng cao khả năng thích ứng là yêu cầu cấp thiết đối với ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện mới đang định hình.

Thời gian tới, đi đôi với việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, chúng ta tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, làm sâu sắc quan hệ với các nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là những phương hướng, nhiệm vụ lớn của ngoại giao Việt Nam. Trong đó, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhận tốt các trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là những trọng tâm toàn ngành đang khẩn trương chuẩn bị với quyết tâm và trách nhiệm cao. Đồng thời, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục sát cánh cùng các ngành, kiên định bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; kịp thời bảo hộ lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trên thế giới; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương; nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, năng động, yêu chuộng hòa bình; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tiến trình mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

Kiên định con đường Bác Hồ đã chọn, phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn trong 74 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đang vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam./.


 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
 

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...