Bảo Yên: Gắn di tích với phát triển du lịch

Di tích lịch sử chiến thắng đồn Phố Ràng nằm ở trung tâm huyện Bảo Yên, nơi đây từng diễn ra trận Phố Ràng oanh liệt - mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng với chiến thắng sông Lô, trận Phố Ràng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng thủ liên hoàn của thực dân Pháp, góp phần quan trọng để mở các chiến dịch tiếp theo. Mặc dù có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng nhưng những năm qua, di tích này gần như bị bỏ quên giữa trung tâm phố huyện. Trừ những dịp kỷ niệm có một vài đoàn khách đến đây tham quan, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ, còn hầu như du khách đến Bảo Yên không biết hoặc không có ý định dừng chân ở di tích này.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phố Ràng, chị Nguyễn Bích Ngọc cùng đoàn cựu chiến binh Hà Nội lên thăm di tích bày tỏ ngạc nhiên khi thấy chứng tích lịch sử mà mình biết được qua ký sự Trận Phố Ràng của nhà văn Trần Đăng lại hoang tàn đến vậy. Chị băn khoăn: Tại sao chính quyền địa phương không đầu tư xây dựng nơi đây thành điểm sinh hoạt văn hóa, vừa để giáo dục truyền thống, vừa trở thành điểm thu hút du khách?

Di tích lịch sử đồn Phố Ràng nằm ở trung tâm huyện.

Di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô cũng trong tình trạng tương tự. Nằm cách trung tâm xã không xa, nhiều năm qua, nơi này gần như không có ai đặt chân đến. Theo chân ông Hoàng Viết Sợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Đô lên thăm Di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô, chúng tôi thực sự bất ngờ khi những dấu tích năm xưa vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn dưới lớp cỏ cây ken dày đặc. Ông Sợi cho biết, Nghĩa Đô đang được định hướng để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, nếu đầu tư tu bổ, chỉnh trang di tích lịch sử hiện có, du khách đến Nghĩa Đô sẽ có thêm địa điểm tham quan.

Tại Bảo Yên còn một di tích có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của tỉnh, đó là khu căn cứ cách mạng Việt Tiến ở tại xã Việt Tiến. Nơi đây, vào tháng 5/1950, Tỉnh ủy Lào Cai mở Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh tại đình Làng Già. Tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn việc mở chiến dịch biên giới, Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II tiến tới giải phóng toàn tỉnh Lào Cai (tháng 5/1950). Hiện nay, khu di tích đang được huyện bố trí nguồn vốn để chỉnh trang, tuy nhiên, để biến nơi đây thành điểm thu hút du khách vẫn còn nhiều khó khăn bởi công tác quảng bá rất hạn chế. Việc kết nối khu di tích này với các di tích khác trên địa bàn huyện cũng chưa có.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên, những năm qua, huyện quan tâm lập hồ sơ khoa học, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để đưa các di tích lịch sử thành điểm đến trong hành trình du lịch, khám phá của du khách. Tuy nhiên, ngoài Di tích lịch sử đền Bảo Hà đã khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch và có đông du khách đến tham quan, chiêm bái, các di tích lịch sử cách mạng khác chưa thực sự hút khách. Nguyên nhân do việc phát huy giá trị di tích chưa gắn liền với những hoạt động hấp dẫn; phần trưng bày thiếu nhiều tư liệu, hiện vật; tính quảng bá, liên kết chuỗi để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch chưa được gắn kết chặt chẽ.

Ông Vũ Ngọc Quang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Để khai thác hiệu quả giá trị di tích phục vụ du lịch, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với ngành chức năng điều tra, khảo sát lập hồ sơ khoa học các di tích; xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh và khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch; đưa các di tích lịch sử, văn hóa, những di sản vào chương trình tham quan du lịch. Cùng với đó, huyện đang tu bổ, chỉnh trang để mỗi di tích là một điểm tham quan có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của di sản văn hóa.

Gắn di tích với phát triển du lịch không chỉ là giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, mà còn thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với các thế hệ đi trước, để những câu chuyện hào hùng của cha ông không bị lãng quên. Theo lãnh đạo huyện Bảo Yên thì tới đây, huyện sẽ có những giải pháp cụ thể để biến những di tích lịch sử thành nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. 

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Gần 400 khách du lịch đến Lào Cai trong chuyến tàu đầu tiên sau mưa lũ

8 giờ 30 phút ngày 24/9, chuyến tàu mang số hiệu SP4 khởi hành từ ga Hà Nội đã đến ga Lào Cai sau chuyến hành trình dài vượt qua cung đường được khắc phục sau trận mưa lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.

Du lịch Lào Cai chung tay cùng bà con vùng lũ

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt Nam, những ngày qua, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ ở Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Chăm sóc cây xanh đô thị kiến tạo cảnh quan du lịch Sa Pa

Những năm gần đây, việc chăm sóc cây xanh đô thị và cây hoa trang trí đã trở thành một yếu tố kiến tạo nên không gian du lịch của thị xã Sa Pa. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao cảnh quan đô thị, chất lượng môi trường thiên nhiên đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.