Nước Anh với giờ G - Brexit không thành hiện thực 16:25, 30/03/2019

Ròng rã suốt hai năm qua, khi bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nước Anh và EU đã diễn ra hàng trăm cuộc đàm phán cũng như các cuộc họp của quốc hội của mỗi bên nhằm tìm kiếm các thỏa thuận có liên quan để London ra đi đúng ngày 29/3/2019. Thế nhưng mọi việc đã không diễn ra đúng như dự định.

Hôm qua, ngày 29/3, Hạ viện Anh bắt đầu cuộc bỏ phiếu lần thứ 3 về kế hoạch mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm ngoái, sau 2 lần bỏ phiếu thất bại trước đó.

Trước khi Hạ viện bỏ phiếu, Thủ tướng Theresa May đã hối thúc các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, coi đây là "cơ hội cuối cùng để đảm bảo cho việc Anh rời khỏi khối này". Thủ tướng May nhấn mạnh với việc ủng hộ thỏa thuận này, các nghị sĩ sẽ tránh "một sự gia hạn kéo dài" mà rốt cục sẽ gây trì hoãn hoặc hủy hoại Brexit…

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Thủ tướng May và nội các bà đã không thuyết phục được Hạ viện khi vẫn còn tới 344 phiếu chống trên 286 phiếu thuận bác bỏ thỏa thuận Brexit.

Dự kiến, ngày 1/4 tới, các nghị sĩ Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu thêm một số lựa chọn khác cho vấn đề Brexit để xem có tìm được giải pháp thay thế nào không.

Động thái trên của Hạ viện Anh đã mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản "thảm họa" Anh rời EU không có thỏa thuận.

Đánh giá về sự kiện trên, Thủ tướng May đã cho rằng kết quả bỏ phiếu "là một điều vô cùng đáng tiếc", đồng thời thừa nhận "tôi sợ chúng ta đã đi đến tận cùng giới hạn của tiến trình chính trị tại Hạ viện".

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông báo cho biết bà May sẽ tiếp tục đàm phán với đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) về những đảm bảo cho kết hoạch “chốt chặn” Ireland - kế hoạch mà đảng này cho rằng khiến Bắc Ireland có thể đối mặt nguy cơ bị tách biệt khỏi các phần còn lại của nước Anh.

Trong khi đó, ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đã xảy ra các cuộc tuần hành tại khu vực bên ngoài tòa nhà quốc hội với sự tham gia của hàng ngàn người mang cờ Anh biểu tình phản đối việc trì hoãn rời khỏi EU, khiến giao thông tắc nghẽn.

Lên tiếng về kết quả bỏ phiếu Brexit, Phủ Tổng thống Pháp cảnh báo việc các nghị sĩ Anh lần thứ 3 bác bỏ thỏa thuận của Thủ tướng Anh Theresa May về vấn đề Anh rời khỏi "đã làm gia tăng mạnh mẽ khả năng rời khỏi không thỏa thuận". Tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ: "Anh cần lập tức đưa ra một kế hoạch thay thế trong những ngày tới. Nếu việc này thất bại, (kết quả) có khả năng xảy ra nhất đó là chúng ta sẽ thấy Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận".

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng nếu tới ngày 12/4 mà người Anh không đưa ra được sự đồng ý với một thỏa thuận mà họ đã ký với EU, đó sẽ là thời điểm của một Brexit “cứng”. Ông Emmanuel Macron cũng cho rằng Pháp nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và cũng là nước sẵn sàng nhất nếu kịch bản này xảy ra.

Còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo đã gần hết thời gian để tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, song ông khẳng định EU đã sẵn sàng đối phó với một kết quả như vậy. Ông Heiko Maas cho biết: "Chúng ta đã gần hết thời gian để tránh một Brexit hỗn loạn. Người dân Anh cần đưa ra quyết định trước ngày 12/4 về cách thức tiếp theo. Tôi chỉ có thể nói rằng Đức và EU đã sẵn sàng cho mọi tình huống".

Người phát ngôn EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) lấy làm tiếc về việc thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ. Theo người phát ngôn, kịch bản "không thỏa thuận" vào ngày 12/4 nhiều khả năng sẽ xảy ra và EU đã sẵn sàng cho điều này.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp vào ngày 10/4 để thảo luận về vấn đề Brexit. Trên trang twitter của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết rằng “do quyết định từ chối Thỏa thuận rút lui của Hạ viện Anh, tôi đã quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 10/4”.

Có thể nói, việc nước Anh đến giờ G mà vẫn không thực hiện được kế hoạch Brexit như thỏa thuận đã và đang là “biến cố” chính trị lớn nhất không chỉ đối với London mà rất nhiều thành viên của EU cũng hứng chịu những tác động tiêu cực không hề nhỏ.

Và thời gian để định đoạt một Brexit “cứng” hay “mền” sẽ không còn nhiều.

Theo Tuyết Minh/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.