Mỹ và EU khởi động tìm lối thoát cho bất đồng thương mại

Liên minh châu Âu (EU) được xem là “nút thắt” thương mại cuối cùng trong hàng loạt các hiệp định thương mai đa phương và song phương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump yêu cầu phải xem xét, đàm phán lại để không bị ảnh hưởng tới “an ninh” của nước Mỹ.

Trong đó có hai vấn đề mà ông Trump không ít lần nêu ra đối với các sản phẩm từ EU nhập vào Mỹ là nhôm, thép và ôtô.

Tuy nhiên, Mỹ và EU đã đạt một thỏa thuận "đình chiến thương mại" sau cuộc gặp tháng 7/2018 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để hai bên tiến hành đàm phán. Theo đó, trong thời gian tìm kiếm các thỏa thuận Mỹ sẽ áp thêm bất kỳ loại thuế nào nhằm vào các sản phẩm của EU.

Nhưng mới đây, ngày 20/2, phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump lại nhấn mạnh: "Chúng tôi đang đàm phán. Nếu không thể đạt thỏa thuận, chúng tôi sẽ áp thuế".

Lời cảnh báo trên được đưa ra với mức độ cao hơn, sau khi Bộ Thương mại Mỹ nộp báo cáo điều tra, qua đó mở đường cho Tổng thống Trump áp thuế cao đối với ôtô nhập từ EU đến 25% trong vòng 90 ngày tới, với lý do đe dọa an ninh quốc gia. Theo đó, năm 2017, gần 50% tổng số 17 triệu xe ôtô bán ra tại thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu. Hầu hết đều có nguồn gốc từ Canada và Mexico, 2 quốc gia sẽ được Mỹ miễn trừ nếu áp thuế nhập khẩu ôtô. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất VDA, năm 2018, Đức xuất khẩu 470.000 ôtô sang thị trường Mỹ.

Động thái đó có nguy cơ sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đáng chú ý, Đức được cho là đối tác mà Nhà Trắng muốn nhắm đến với cáo buộc gây tổn hại cho ngành công nghiệp ôtô của Mỹ.

Ngay lập tức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ "thật kinh khủng" nếu báo cáo trên kết luận các sản phẩm ôtô nhập khẩu từ EU là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ và khiến Washington áp thuế nhập khẩu với những sản phẩm này.

Trong khi đó, để thực hiện thỏa thuận tháng 7/2018 giữa Mỹ và EU, trong thông báo ngày 2/3, người phát ngôn EC cho biết Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, vào ngày 6/3 tới tại Washington. Đồng thời, Tổng Thư ký EC Martin Selmayr và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow cũng sẽ có các cuộc gặp nhằm tìm lối thoát cho các bất đồng thương mại Mỹ-EU.

Đây là cuộc đàm phán thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương được cho khá gay go phức tạp. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì sẽ diễn ra cuộc chiến thương mại.

Trong khi đo, để đại diện thương mại EU tiến hành đàm phán với Mỹ phải có sự ủy quyền của các nước thành viên. Ngày 19/2, Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ EU khởi động đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận nhằm hạ mức thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp của hai bên, khuyến khích các nước thành viên ủng hộ đàm phán với Mỹ.

Dự kiến, nghị quyết này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của EP vào tháng 3 tới. Mặc dù nghị quyết này không có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng nó sẽ mở ra cơ hội đàm phán với Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ thỏa thuận mà Mỹ và EU nhất trí sẽ được EP thông qua.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.