CPTPP: Những cơ hội rất đáng dấn thân

Nếu nhìn từ góc độ tích cực, chủ nghĩa bảo hộ với các “rào cản” tăng lên cũng sẽ giúp DN Việt nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường trong nước - khi mà cùng với các cam kết tại CPTPP, môi trường kinh doanh sẽ không ngừng được cải cách theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch hơn.

Thông điệp được ghi nhận tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế TPHCM chiều ngày 9/11 vừa qua.

CPTPP giúp nền kinh tế mở cửa sâu rộng hơn

Tương tự như các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ mang tới cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Mà thậm chí còn sâu rộng hơn bởi không chỉ đơn giản là một hiệp định về thương mại và đầu tư, CPTPP còn đòi hỏi những đột phá về tư duy xây dựng và thực thi luật pháp, về quản lý nhà nước, về quản trị xã hội…

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), CPTPP có thể mang tới cho nền kinh tế Việt Nam bước ngoặt lớn, tương tự như thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007). CPTPP đang trở thành “động cơ đốt trong” góp phần nâng “chất” thủ tục hành chính Việt Nam, tạo động lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm cho DN ở tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, xóa bỏ rào cản thị trường về dịch vụ và đầu tư.

“Với CPTPP, nếu một cơ quan địa phương từ chối cấp giấy phép cho nhà đầu tư một cách không chính đáng, vi phạm cam kết tại CPTPP thì nhà đầu tư có thể kiện ra tổ chức trọng tài. Và án phí, tiền thuê luật sư mà bên thua kiện phải trả có thể lên tới hàng chục triệu USD”, ông Khanh nêu ví dụ cho thấy áp lực phải “nâng tầm” với các cơ quan chức năng.

Về phía DN, CPTPP cũng đã mở ra nhiều cơ hội đồng thời thúc đẩy DN trong nước đầu tư “đón đầu”, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Câu chuyện DN Việt không sản xuất nổi con ốc vít cho Samsung mới ngày nào giờ đã trở thành quá khứ khi hiện có tới 200 DN tại Việt Nam đang là nhà thầu phụ cho hãng điện tử danh tiếng này.

Cơ hội lớn cho những ngành xuất khẩu chủ lực

Với các FTA “truyền thống” trước đây, mức độ “mở cửa” của Việt Nam là khá thận trọng (trừ các cam kết với ASEAN). Tuy nhiên, với hai hiệp định thế hệ mới là FTA Việt Nam-EU và CPTPP, mức cam kết cắt giảm thuế lên gần như tối đa. Đặc biệt với CPTPP, mức cắt giảm lên tới gần 100%, tức gần như toàn bộ các dòng thuế đều sẽ về 0%.

Với CPTPP, 42,9% số dòng thuế đánh lên các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập vào Canada sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Và đến năm thứ 4 thì 100% hàng dệt may Việt Nam bán cho Canada sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Nhật Bản thì cam kết xóa ngay 99% dòng thuế…

Tương tự, ở mặt hàng giày dép, 67% dòng thuế nhập khẩu được Canada xóa bỏ ngay lập tức, 12% còn lại sẽ được xóa vào năm thứ 7, còn lại sẽ cắt giảm vào năm thứ 12. Cũng tại CPTPP, Nhật Bản đã cam kết sẽ xóa 80% dòng thuế với hàng giày dép vào năm thứ 10…

Với hàng thủy sản, phần lớn các dòng thuế đánh lên hàng Việt nhập vào Canada và Nhật Bản sẽ được xóa bỏ ngay. Đáng chú ý, CPTPP mang lại mức độ mở cửa sâu hơn, ưu đãi lớn hơn cho thủy sản Việt Nam vào thị trường Nhật so với Hiệp định song phương Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) hiện nay.

Giải pháp nào trước các thách thức?

Trong bối cảnh thuận lợi của các FTA, trong đó có CPTPP, nền thương mại toàn cầu cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Vậy vai trò của các FTA đối với nền kinh tế Việt Nam, mà cụ thể và được kỳ vọng lớn lúc này là CPTPP, sẽ ra sao?

Trong một kịch bản xấu, nếu vì sức ép của chủ nghĩa bảo hộ mà một hoặc một vài nước thành viên tại các Hiệp định tự do thương mại phải nâng thuế thì Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho giải pháp khả dĩ trong dài hạn. Với chủ trương tham gia nhiều FTA để đa dạng hóa các đối tác thương mại, hàng Việt được tin là vẫn đảm bảo được những điều kiện tiếp cận thị trường với độ “phủ sóng” nhất định trên toàn cầu.

Còn nếu nhìn từ góc độ tích cực, chủ nghĩa bảo hộ với các “rào cản” tăng lên cũng sẽ giúp DN Việt nhận ra tiềm năng to lớn của thị trường trong nước - khi mà cùng với các cam kết tại CPTPP, môi trường kinh doanh sẽ không ngừng được cải cách theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch hơn. Và lúc ấy, “sân nhà” với 90 triệu người tiêu dùng thực sự là “mỏ vàng” cho hàng Việt.

Cũng có người âu lo CPTPP sẽ mang đến sự cạnh tranh khốc liệt cho các DN nội địa. Nhưng nếu nhìn về 2 thập niên trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, cũng có những quan ngại cho rằng DN Việt “cưỡi thuyền thúng ra biển lớn”. Tuy nhiên thực tế cho thấy từ lúc xuất nhập khẩu mới cán mốc 100 tỷ USD vào năm 2007, Việt Nam đã tăng giá trị tuyệt đối xuất nhập khẩu lên gấp 4 lần sau khoảng 10 năm (400 tỷ USD), vị thế xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ thế giới đã có thay đổi lớn, từ hạng 50 tiến lên vị trí thứ 26 (năm 2016).

Tất nhiên vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch - TS Nguyễn Thị Hồng Minh, quan ngại lớn nhất lúc này là sức ép đối với ngành nông nghiệp, mà cụ thể là đối với lực lượng nông dân.

Hay như ý kiến từ Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi, thông tin tạm dừng nhập khẩu lúa mì có lẫn cỏ kế đồng về Việt Nam tuy đã được Bộ NN&PTNT xử lý ngay sau đó nhưng cũng đủ khiến cho nhiều DN một phen phải “lo sốt vó” tìm cách tái xuất lô hàng đang trên đường về cảng. Báo giá bột mì đến các nhà sản xuất thực phẩm trong nước cũng lập tức tăng 20%-30%.

“Vụ việc này là một kinh nghiệm về xây dựng ‘hàng rào kỹ thuật’. Chúng ta phải hết sức khéo léo như thế nào đó và cần thông báo sớm để các DN trong nước kịp thời có sự chuẩn bị cần thiết”, bà Chi đề nghị.

Dự kiến, sân chơi lớn của CPTPP tại Việt Nam sẽ thực sự khởi động vào đầu năm 2019 sau khi Quốc hội Việt Nam chính thức nhất trí thông qua Hiệp định.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...