Hội nghị AMM 51: Quan điểm của Việt Nam nhận được sự ủng hộ tích cực

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tổ chức ở Singapore (AMM 51), các quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam nêu ra phù hợp với chiều hướng quan tâm chung tại Hội nghị, nhận được sự chia sẻ và ủng hộ tích cực từ các nước.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại lễ khai mạc AMM 51. Ảnh: BNG

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bổ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trong trả lời phỏng vấn báo chí nhân kết thúc Hội Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị liên quan.

Xin Thứ trưởng cho biết những nét chính của Hội nghị AMM-51?

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, kết quả được thể hiện trên một số điểm sau:

- Thứ nhất, ASEAN đạt nhiều kết quả quan trọng trong triển khai chủ đề ‘Tự cường và sáng tạo’:

Các nước ASEAN nhấn mạnh tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-phát triển cả trong nội khối cũng như với các đối tác; tập trung đẩy mạnh kết nối khu vực (triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN gắn với các Kế hoạch phát triển tiểu vùng và liên khu vực khác), phát triển bền vững (gắn kết Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến 2030, triển khai công tác thu hẹp khoảng cách phát triển), đổi mới và sáng tạo để tận dụng các tiến bộ của công nghệ mới từ cách mạng công nghiệp 4.0 (trong đó có phát triển kinh tế số, hình thành Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, số hóa dữ liệu v.v.)

ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trong ứng phó hiệu quả với các vấn đề khu vực; kịp thời bày tỏ tình đoàn kết và tương trợ cho Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện, thông qua các hoạt động trợ giúp của Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN-AHA. ASEAN kiên trì giữ vững lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực như Biển Đông. Dù mức độ quan tâm khác nhau, các nước đều nhất trí những nguyên tắc cơ bản, cùng thảo thuận về quan điểm đối với các vấn đề trên thực địa cũng như về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một văn bản dự thảo duy nhất đàm phán về COC được các Bộ trưởng ghi nhận, làm cơ sở tiếp tục đàm phán về COC.

ASEAN tiếp tục giữ được vai trò trung tâm trong điều hòa quan hệ với các Đối tác. Dịp này, ASEAN đã linh hoạt đáp ứng yêu cầu của các đối tác Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc về tổ chức cấp cao mà không để ảnh hưởng nhiều đến quy định nội bộ của ASEAN.

- Thứ hai, ASEAN và các đối tác đạt nhất trí cao về cam kết ủng hộ và thúc đẩy hệ thống đa phương quốc tế dựa trên luật lệ, duy trì đà liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu thế bảo hộ và chống toàn cầu hóa gia tăng.

Hầu hết các đối tác đều chia sẻ với ASEAN tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có WTO, khẳng định phối hợp tích cực sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); cho rằng quan hệ thương mại-đầu tư là có đi có lại, cùng có lợi, nên các bên đều cần nỗ lực cân bằng và hài hòa lợi ích của nhau. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nêu vấn đề trao đổi thương mại với Mỹ, cho rằng các nước ASEAN chỉ đạt thặng dư về thương mại hàng hóa, trong khi lại thâm hụt về thương mại dịch vụ. Không chỉ đầu tư của Mỹ tạo ra công ăn việc làm ở các nước ASEAN mà đầu tư của ASEAN ra ngoài cũng tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mỹ.  

ASEAN và một số đối tác tỏ quan tâm thúc đẩy khả năng xem xét đàm phán một số FTA mới như với Canada hoặc khôi phục đàm phán FTA trước đây gặp khó khăn như với EU (trong ASEAN đã có Singapore và Việt Nam lập FTA song phương với EU).

- Thứ ba, ASEAN nhất trí cần xây dựng cách tiếp cận chủ động đối với các sáng kiến/đề xuất hợp tác mới được đưa ra ở khu vực.

Trước sự xuất hiện của nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác mới như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Vành đai & Con đường, đối tác hạ tầng chất lượng cao v.v., ASEAN đã trao đổi và thống nhất cần hình thành cách tiếp cận chủ động để khai thác các điểm đồng của những sáng kiến này, trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc và mục tiêu đề ra của ASEAN, từ đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Các đối tác hoan nghênh cách tiếp cận nói trên của ASEAN. Một số nước tiếp tục mong muốn ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; trong khi đó, Trung Quốc đề nghị gắn kết chặt chẽ Sáng kiến Vành đai & Con đường với Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025.

Xin Thứ trưởng cho biết bầu không khí chung của Hội nghị lần này?

Các Bộ trưởng đã có một lịch trình hoạt động bận rộn với rất nhiều hoạt động đa phương và song phương, các nội dung thảo luận quan trọng, thiết thực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bên cạnh tham dự hơn 30 hoạt động cuả Hội nghị, đã có 15 cuộc tiếp xúc song phương với các đồng nghiệp ASEAN và các đối tác bên lề Hội nghị. Mặc dù không phủ nhận còn tồn tại những quan điểm khác biệt nhưng về cơ bản, Hội nghị diễn ra trong bầu không khí tích cực và thuận lợi. Tinh thần sẻ chia của các nước ASEAN và các Đối tác đối với thảm họa, thiên tai ở Lào, Indonesia, Myanmar cho thấy tình đoàn kết, hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong ASEAN vẫn là chủ đạo.

Xin Thứ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này?

- Việt Nam tham dự Hội nghị trên tinh thần chủ động, tích cực ủng hộ các ưu tiên do nước Chủ tịch Singapore đề xuất.

Trong phát biểu tại các phiên họp cả trong ASEAN cũng như với các đối tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu các quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam phù hợp với chiều hướng quan tâm chung tại Hội nghị, nhận được sự chia sẻ và ủng hộ tích cực từ các nước. Trên thực tế, các ưu tiên về tự cường và sáng tạo do Singapore đề xuất năm nay hoàn toàn phù hợp với quan tâm và ưu tiên của Việt Nam trong ASEAN giai đoạn này. Cụ thể, Việt Nam đã tích cực tham gia vào Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh (có 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), chủ động cùng ASEAN thúc đẩy hợp tác về kết nối khu vực, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0… cũng như trong củng cố khả năng tự cường thông qua vai trò trung tâm của ASEAN).

Những chia sẻ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tình hình Biển Đông, tương đồng với ý kiến của nhiều nước ASEAN và các nước đối tác, tạo được nhận thức chung tại Hội nghị.

-Sau 3 năm đảm nhận vai trò điều phối quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ (8/2015 - 8/2018), Việt Nam đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ luân phiên này trong ASEAN, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN-Ấn Độ đạt nhiều kết quả tích cực, được đối tác Ấn Độ bày tỏ cám ơn và đánh giá cao. Dịp này, Việt Nam cũng đã chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản cho giai đoạn 2018-2021./.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...