Độc đáo lễ đặt tên của người Dao đỏ ở Lào Cai

Người Dao đỏ ở Lào Cai sinh sống tập trung đông nhất ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Người Dao đỏ coi việc đặt tên là việc hệ trọng trong cuộc đời con người cho nên từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, người Dao đỏ phải qua 3 lần đặt tên. Lần thứ nhất vào ngày đứa bé tròn 1 tháng tuổi, lần 2 khi đứa trẻ lên 15 - 16 tuổi, lần 3 là vào ngày xây dựng gia đình.

Múa phép tại lễ đặt tên.

Việc đặt tên của người Dao đỏ còn liên quan đến tổ tiên, thứ bậc của dòng họ. Mỗi dòng họ được đặt tên theo thứ tự, cấp bậc để phân biệt giữa các thành viên trong dòng họ, mỗi cấp bậc phải qua 5 đời mới được quay lại một lần để đặt tên. Vì vậy, khi đặt tên, gia đình, dòng họ xem xét rất kỹ thứ tự trong dòng họ mình, sau đó làm lễ xin phép tổ tiên “bàn vương”, không được đặt tên trùng với tên tổ tiên (kể cả những người đã mất từ 5 đời trở lại).

Lễ đặt tên được tiến hành qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ diễn ra từ 2 - 3 ngày. Chủ lễ là 2 thầy cúng (1 thầy chính và 1 thầy phụ), 2 thầy cúng phải là người cùng dòng họ với gia đình đứa trẻ, hiểu biết về phong tục, có nhiều đức tính tốt; những người phụ lễ phải là những bậc cao niên, hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc mình.

Một nghi lễ không thể thiếu tại lễ đặt tên.

Tại lễ đặt tên, ngoài 2 thầy cúng và những người phụ lễ còn phải tìm 6 thanh niên (3 nam, 3 nữ) chưa xây dựng gia đình và là những thanh niên thông minh, nhanh nhẹn, thuộc những bài hát đối đáp để thực hiện các bài hát đối đáp trong lễ đặt tên.

Cùng với hát đối đáp còn có các điệu múa (múa phép). Đội múa từ 5 - 7 người (có thể nhiều hơn) là những thanh niên nam, nữ trẻ, khoẻ, đẹp, các động tác múa diễn ra theo từng nghi lễ khi thầy cúng yêu cầu. Trong nghi lễ, đứa trẻ được đặt tên cùng ông nội và những người trong đội múa phải mặc quần áo mới nhiều hoa văn rực rỡ, lưng thắt một sợi vải màu đỏ, đầu đội khăn quấn theo hình con vẹt (đối với nam), nữ đội khăn đỏ theo kiểu truyền thống. Cuối nghi lễ, thầy cúng chính thay bộ quần áo bằng màu xanh lá cây, đứa trẻ được đặt tên cũng phải thay đổi kiểu áo theo tiến trình của từng nghi lễ.

Lễ vật dùng trong lễ đặt tên gồm: 4 con lợn từ 20 - 60 kg/con (tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình), 20 chiếc bánh gạo nếp, 5 lít rượu. Hai con lợn cạo sạch lông để làm lễ cúng tổ tiên, thần linh cùng một ít tiền âm phủ; 2 con lợn còn lại làm cỗ thiết đãi mọi người tới dự và chứng kiến lễ đặt tên cho đứa trẻ.

Trong 3 lần đặt tên của người Dao đỏ, lần đặt tên thứ 2 mới là tên gọi chính thức thường dùng trong khi giao tiếp ở gia đình và ngoài xã hội. Tên gọi trong lễ đặt lần thứ 3 chỉ dùng khi cúng lễ hoặc khi chết con cháu dùng tên này để gọi hồn về thờ cúng./.

(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.