Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC lần thứ 6

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh lần thứ 6 (FMM FEALAC 6) đã khai mạc ngày 13/6 tại hòn đảo du lịch Bali của Inđônêxia.
 
Hội nghị năm nay diễn ra trong 2 ngày do Inđônêxia và Côlômbia đồng chủ trì, với sự tham dự của 2 Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng ngoại giao cùng 7 quan chức cấp cao các nước thành viên FEALAC và Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh.
 
FMM FEALAC 6 chủ yếu tập trung thảo luận các vấn đề và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 2 khu vực trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, du lịch, nghiên cứu đa dạng sinh học, thực phẩm và ngành công nghiệp chế tạo máy bay, vì lợi ích của đôi bên.
 
                                                                                   
                                                                         Ảnh minh họa. (Nguồn: jpnn.com)

Tổng Vụ trưởng Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Inđônêxia, Dian Triansyah Djani nhấn mạnh các nền kinh tế Đông Á và Mỹ Latinh đã đạt tăng trưởng nhanh, ổn định trong những năm qua, với mức tăng trung bình trên 5%, trong đó một số nền kinh tế thành viên đạt trên 6%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của 2 khu vực chiếm 24% tổng FDI toàn cầu. 8 nước trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) là thành viên FEALAC.
 
Thương mại giữa hai khu vực chiếm tới 30% tổng thương mại toàn cầu. Khu vực Đông Á và Mỹ Latinh chiếm 40% dân số toàn cầu và 34% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Dự kiến, hai khu vực này có thể đóng góp tới 66% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 và tiếp tục xu hướng này trong những năm tiếp theo và tới năm 2030 sẽ có tầng lớp trung lưu chiếm tới 72% tổng dân số.
 
Tổng Vụ trưởng Dian Triansyah Djani nêu rõ cả 2 khu vực đều có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu, song chưa tối ưu hóa hợp tác lẫn nhau. Do vậy, FEALAC là một cơ hội lớn cho các nước ở cả 2 khu vực tăng cường hợp tác và cùng gặt hái những lợi ích thiết thực từ việc tăng cường hợp tác lẫn nhau.
 
Bên cạnh đó, 2 khu vực nói chung và các nền kinh tế của 2 khu vực nói riêng còn có rất nhiều lợi thế bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, Inđônêxia và Braxin cùng có sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú, có thể hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Mỹ Latinh nổi tiếng với các di sản của nền văn minh Maya và Aztek, còn Đông Á có đền Borobudur của Inđônêxia, Angkot Wat của Campuchia...
 
FEALAC chiếm tới 57% diện tích rừng nhiệt đới của thế giới, trong đó Braxin và Inđônêxia được coi là 2 lá phổi lớn nhất của hành tinh. Các nước Mỹ Latinh có thế mạnh về sản xuất ngũ cốc và các nước Đông Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho nhau. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng làm nền tảng cho sự tăng cường hợp tác và đạt được lợi thế tối đa từ hợp tác là cả hai khu vực cần cải thiện kết nối, trong đó bao gồm việc thiết lập và tăng cường các tuyến bay trực tiếp giữa 2 khu vực.
 
FEALAC chủ yếu bao gồm các cuộc họp thường xuyên được tổ chức ở 3 cấp độ: Các Bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cấp cao và các quan chức làm việc.
 
Trước thềm FMM FEALAC 6, trong 2 ngày 11 - 12/6 tại Bali đã diễn ra các Hội nghị lần thứ 11 Nhóm công tác về chính trị, văn hóa, giáo dục và thể thao; Hội nghị lần thứ 10 Nhóm công tác về kinh tế và xã hội; Hội nghị lần thứ 9 Nhóm công tác về khoa học và công nghệ; Hội nghị lần thứ 4 Tiểu nhóm làm việc về du lịch và Hội nghị quan chức cấp cao FEALAC lần thứ 14.
 
FEALAC được thành lập vào năm 1999, với tên gọi ban đầu là Diễn đàn Đông Á - Mỹ Latinh (EALAF) như một diễn đàn chính thức để liên kết các nước châu Á và Mỹ Latinh và là diễn đàn cầu nối duy nhất giữa 2 khu vực. Hiện FEALAC có 36 thành viên, gồm 16 nước châu Á và 20 nước Mỹ Latinh./. 

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.