Khẳng định đóng góp của Việt Nam trong những vấn đề quan trọng của khu vực

Trưa 1/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự và phát biểu chính tại Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Singapore theo lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La.

Tại Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, với tư cách là khách mời, diễn giả chính của Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng; trong đó đánh giá bức tranh toàn cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương; chia sẻ chủ đề về cùng chung tay xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á –Thái Bình Dương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ, Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực; cho rằng xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động và ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo.

Cùng xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nhìn lại bức tranh toàn cảnh khu vực trong những năm qua, chúng ta cũng không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh. Thủ tướng nhấn mạnh: “Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua – mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta”.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chính tại Lễ khai mạc
Đối thoại Shangri- La lần thứ 12


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chúng ta không thể không nói đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.

Việt Nam cùng các nước ASEAN luôn mong muốn các nước – đặc biệt là các nước lớn, ủng hộ vai trò trung tâm, nguyên tắc đồng thuận và sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng ASEAN.

Cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnôm Pênh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại”.

Việt Nam quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Việt Nam luôn khao khát hòa bình và mong muốn đóng góp vào việc củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Để có một nền hòa bình thực sự và bền vững, độc lập, chủ quyền của các quốc gia dù lớn hay nhỏ cần phải được tôn trọng; những khác biệt về lợi ích, văn hóa… cần được đối thoại cởi mở trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia.

Nhân diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự...

Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế

Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Cuối cùng, nhấn mạnh, hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi ích, là nguyện vọng tha thiết, là tương lai chung của các quốc gia, các dân tộc; trên tinh thần cởi mở của Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi: “Tất cả chúng ta bằng những hành động cụ thể hãy cùng chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng”.

Việt Nam Singapore tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của các diễn đàn khu vực và quốc tế

Nhân dịp tham dự Đối thoại Shangri La lần thứ 12 tại Singapore, ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chào xã giao Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam và hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Xinhgapo trong thời gian qua, đặc biệt là việc hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 – 2013) cũng như hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của các diễn đàn khu vực và quốc tế, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam khẳng định Singapore luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Trong hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ, năng động và hiệu quả của quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian qua; khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, xây dựng, du lịch…, đồng thời đánh giá cao các bộ, ngành hai bên đã cơ bản hoàn tất nội dung Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước để ký kết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Xinhgapo trong năm 2013. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; cho rằng ASEAN cần nỗ lực duy trì đoàn kết nội khối, có quyết tâm chính trị cao, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Trao đổi về thông điệp của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nội dung chính phát biểu nhấn mạnh yêu cầu các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng thống và Thủ tướng Singapore đều đánh giá cao và đồng tình với quan điểm trên của Việt Nam và cho đây là chủ đề quan trọng, phù hợp và cần thiết đối với tình hình chung hiện nay ở khu vực này và thiết thực đóng góp cho một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống và Thủ tướng Singapore nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, các bên cần phải thực hiện kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Tại buổi Hội kiến với Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã cùng chứng kiến Lễ trao giấy phép bổ sung cho dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi (tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD) cho Tập đoàn Sembcorp của Singapore. Dự án nhiệt điện chạy than có công suất 1.200 MW và đây là dự án thứ 2 Tập đoàn Sembcorp đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

(theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...