Ngày Nước thế giới (22/3): Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

Ngày Nước thế giới được kỷ niệm vào ngày 22/3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước, vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

 
Ngày Nước thế giới 2017 nhấn mạnh tới chủ đề: Nước thải.  (Ảnh minh họa: Cục QLTNN)


Vào năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) khuyến cáo cần có một ngày quốc tế dành cho nguồn nước ngọt. Ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố lấy ngày 22/3/1993 để kỷ niệm Ngày Nước thế giới lần đầu tiên.

Nước là trung tâm của phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên nước, cũng như các dịch vụ mà nước có thể cung cấp, góp phần giảm thiểu nghèo đói, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ dinh dưỡng và an ninh năng lượng cho tới sức khỏe của con người và môi trường, nước góp phần cải thiện đáng kể sự thịnh vượng của xã hội và phát triển bình đẳng, tác động tới sinh kế của hàng tỷ người dân trên trái đất.

Nước là một nhân tố thiết yếu của cuộc sống. Nó không chỉ có vai trò sống còn đối với sức khỏe, mà còn góp phần tạo ra việc làm khi đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội và con người.

Theo Liên hợp quốc, hơn 80% lượng nước thải từ hoạt động của con người được xả ra sông, biển,... mà không được xử lý chống ô nhiễm, gây ô nhiễm môi trường và làm suy kiệt đất. Thêm vào đó, ít nhất 1,8 tỷ người trên thế giới sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm. Thực trạng đó cho thấy việc xử lý nước thải là một vấn đề cần thực sự được ưu tiên. Nếu được xử lý một cách an toàn thì nước thải là một nguồn bền vững về nước, năng lượng, chất dinh dưỡng và các vật liệu có thể thu hồi khác.

Xuất phát từ thực trạng đó, chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay được lựa chọn là: “Nước thải” nhằm làm nổi bật chủ đề về nước thải và các cách thức khác nhau để giảm thiểu và tái sử dụng nguồn nước này. Chúng ta cần cải thiện việc thu thập, xử lý và tái sử dụng nước thải; đồng thời, giảm lượng nước mà chúng ta thải ra để bảo vệ tài nguyên môi trường và nước.

Trong khuôn khổ chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030 được cộng đồng quốc tế thông qua và đang nỗ lực thực hiện, Mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 hướng tới: Đảm bảo việc Tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người. Mục tiêu hướng tới cụ thể là nhằm giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và làm tăng đáng kể việc quay vòng và tái sử dụng nước sạch.

Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có bảo đảm an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, quản lý tài nguyên nước đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020" và đang triển khai "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020".

Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước năm 2012 – văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các việc quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do ô nhiễm nguồn nước gây ra...

Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp hiệu quả trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương cho tới đa phương. Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mekong và Danube...

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2017 quy mô cấp tỉnh tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm nay, Bắc Ninh được lựa chọn để tổ chức Ngày Nước thế giới 2017 bởi tỉnh này có nguồn nước thải đa dạng (từ các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt) đồng thời cũng là địa phương đang chịu các thách thức về nguồn nước. Do vậy, vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường của tỉnh Bắc Ninh đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội. 
Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.