Mộc mạc chợ phiên Mường Khương

Không ồn ào, sôi động như những chợ phiên nổi tiếng Cốc Ly, Cán Cấu hay Mường Hum nhưng nét bình dị, mộc mạc riêng có của chợ phiên Mường Khương để lại nhiều ấn tượng đối với du khách khi đến đây.
 
Nằm ở trung tâm huyện, chợ Mường Khương chỉ họp vào ngày chủ nhật. Tuyến đường từ thành phố Lào Cai lên trung tâm Mường Khương quanh co, khúc khuỷu, nhưng đã được rải nhựa, đi lại khá thuận lợi. Ngay từ sáng sớm, khi làn sương còn phảng phất, từng đoàn người từ khắp các ngả đường “đổ” về chợ, tiếng nói cười, ánh mắt rạng ngời cùng với sắc màu của những bộ váy áo thổ cẩm tạo không khí như ngày hội.

Bán nông sản.

“Đến chợ phiên Mường Khương vào ngày mùa đông lạnh giá, nhưng những ánh mắt thân thiện, cử chỉ gần gũi, thưởng thức bát thắng cố cay nồng vị ớt, nhâm nhi chén rượu ngô của đồng bào vùng cao nơi đây, đã tạo cho tôi không khí ấm áp, như đang ở nhà mình” - đó là tâm sự của chị Hằng, khách du lịch đến từ Hà Nội.

Chợ phiên Mường Khương cũng có đủ các mặt hàng: Nông sản, thực phẩm, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, nông cụ, đồ điện… Có lẽ, khu vực bán hàng nông sản ồn ào, sôi động nhất chợ, với chùm ớt đỏ tươi, quả chanh, vài mớ rau rừng hay những quả dưa chuột căng mọng... thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Giá trị kinh tế của những mặt hàng nông sản này không cao, nhưng chứa đựng trong đó bao nhọc nhằn và hy vọng của đồng bào nơi đây.

Không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Mường Khương là khu bày bán nông cụ với lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao, búa… mỗi khi người mua thử độ bền, dẻo của các loại vật dụng, một bản hợp âm với những tiếng leng keng thú vị lại vang lên. Dạo qua khu bán thổ cẩm, không khí trao đổi nhộn nhịp, những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào với hoa văn, sắc màu rực rỡ như những bông hoa thi nhau khoe sắc.

Ẩm thực chợ phiên Mường Khương thật đa dạng, từ nồi thắng cố khói bay nghi ngút, bát phở chua cay cay, hay những tấm bánh đa, bánh rán giòn thơm. Chiếc bánh rán nóng vừa được vớt từ chảo mỡ sôi sục, với vị ngọt của đường, bùi bùi của đỗ, dừa, dẻo thơm của bột gạo khiến tôi thêm thích thú.

Chia tay chợ phiên khi trời đã đứng bóng, tiếng nói cười vồn vã, cái bắt tay thân tình, hay những lời hẹn chợ phiên sau vẫn vang vẳng đâu đây…

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.