Như “cánh chim không mỏi”…

Dường như mọi mưu cầu, niềm vui, hạnh phúc lớn lao đều hướng về học trò. Đó là những gì chúng tôi nhận thấy ở những thầy giáo vùng cao vốn được học trò quý mến, biết ơn và họ được ví như “cánh chim không mỏi” mải miết bay trên bầu trời tương lai của các thế hệ học trò.

Niềm vui giản dị của thầy giáo Lắm

Tôi tình cờ biết đến thầy Nguyễn Xuân Lắm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tả Gia Khâu (Mường Khương) qua lời kể của cô giáo mầm non tương lai Giàng Seo Nhừng - học trò cũ của thầy, người con của đồng bào dân tộc Thu Lao ở xã nghèo Tả Gia Khâu. “Người tiếp cho em nghị lực và ý chí vươn lên là thầy Lắm, chứ không phải ai khác”, Nhừng xúc động tâm sự.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Lắm luôn tận tâm với học trò vùng cao.

Năm 2004, sinh viên Nguyễn Xuân Lắm (quê ở Sóc Sơn, Hà Nội) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Lắm dũng cảm tạm biệt chốn thị thành, xin nhận công tác tại vùng cao Mường Khương và được phân công giảng dạy môn Vật lý ở Trường Liên cấp 1 + 2 Tả Gia Khâu, địa bàn khó khăn hàng đầu của huyện Mường Khương.

Khác với những gì thầy Lắm tưởng tượng, cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều gian khó và đời sống của giáo viên thiếu thốn nhiều mặt. Kỷ niệm mà thầy Lắm không bao giờ quên là những ngày “khởi đầu nan”, phải chặt cành cây quanh trường làm thang, dát giường. Trường không có điện, thiếu nước, phòng ở cũng tạm bợ, sơ sài. Việc di chuyển của cả trường khi đó phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ kỹ, thường xuyên hỏng hóc.

Nhưng tình yêu học trò, yêu công việc giảng dạy đã giúp thầy Lắm vượt qua tất cả. Vậy rồi tai họa bỗng ập đến với thầy Lắm, năm 2005, một tai nạn giao thông đã khiến hệ thần kinh cánh tay phải của thầy bị ảnh hưởng. Đây là cú sốc lớn đối với thầy giáo trẻ khi vừa bước sang tuổi 22. Cánh tay thuận để làm việc, với bút, phấn, sách nay buông thõng bên làn bụi phấn. Đã không ít lần, thầy giáo trẻ bi quan muốn bỏ nghề, nhưng khi nghĩ về những học trò vùng cao, thầy tự nhủ lòng lấy lại tinh thần, sự quyết tâm. Thế là, hơn 20 tuổi, thầy mới tập viết bằng tay trái.

Thầy Lắm tiếp tục gắn bó với bục giảng. Bước chân của thầy và đồng nghiệp vẫn sải dài trên những con đường gập ghềnh để vận động phụ huynh cho con em đến trường, vẫn miệt mài mỗi ngày vượt qua quãng đường hơn 4 km đi cõng nước sinh hoạt cho giáo viên, học sinh. Đến nay, sau 12 năm gắn bó với nghề, với Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tả Gia Khâu, thầy Lắm đã chứng kiến nhiều sự đổi thay ở ngôi trường này. Nhà công vụ, nhà ở bán trú cho học sinh đã khang trang, hiện đại hơn; nguồn nước sạch cũng ổn định hơn giúp thầy cô và học trò nơi đây vơi phần vất vả.

Là giáo viên có chuyên môn tốt, thầy Lắm đã không quản công sức, khắc phục khó khăn, sáng tạo, xây dựng các chuyên đề về môn Vật lý, xây dựng giáo án để nâng cao, bồi dưỡng học sinh giỏi. Niềm vui giản dị luôn ở bên thầy Lắm khi danh sách học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi của trường ngày càng nhiều và hơn thế nữa, các thế hệ học trò đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình.

Thầy Hòa “thể thao”

Năm 2004, Nguyễn Quang Hòa, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục - Thể thao Trung ương I. Khi trao quyết định phân công Hòa về giảng dạy ở xã Trịnh Tường, Bát Xát, một lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã động viên: “Sẽ vất vả đấy, cố gắng nhé!”. Thực ra, Hòa không hề lo lắng hay e ngại bởi với nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, sẵn sàng cống hiến, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hòa.

Vượt quãng đường gần 50 km, với hành trang đơn giản là ba lô quần áo và ít lương thực, thầy giáo Hòa đã đến xã Trịnh Tường trong tâm thế hết sức phấn khởi. Ấn tượng đầu tiên của thầy về vùng đất này là sự hoang sơ và cuộc sống thiếu thốn của các em nhỏ. Thầy Hòa kể: Phương tiện giao thông, đường sá khi đó còn khó khăn, nên tôi ít về thành phố Lào Cai. Trong ngôi nhà công vụ làm tạm chỉ vỏn vẹn một chiếc giường sắt y tế, nên các thầy giáo phải chặt vầu về làm giường. Mùa đông, các thầy giáo mua thêm bạt căng để hạn chế sương làm ướt chăn, đệm. Ngay gần đó là khu nhà bán trú của học sinh, cuộc sống vất vả, nên thầy trò rất thân thiết và đùm bọc lẫn nhau. 

Là giáo viên thể chất, qua các tiết học của mình, thầy Hòa luôn hướng các em học sinh rèn luyện sự tự tin, hòa đồng, tự giác và tích cực rèn luyện sức khỏe để học tập tốt. Qua đó, thầy Hòa đã phát hiện và tập trung hướng dẫn, bồi dưỡng cho nhiều học sinh có năng khiếu thể thao. Sau giờ học, thầy dành thời gian cho các em tập luyện những môn thể thao như đẩy gậy, đá cầu, cờ vua, bóng đá, bắn nỏ; đồng thời truyền cho các em kinh nghiệm, kỹ thuật và luật chơi. Những năm đầu còn thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy và học, thầy trò tập môn nhảy cao bằng sào thì nay đã có gậy bằng hợp kim, nhảy nệm. Chính nhờ vậy, trong nhiều năm qua, học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Trịnh Tường đã đoạt nhiều giải cao trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Gần đây nhất, trong năm học 2015 - 2016, có 8 học sinh của trường tham gia và đoạt 3 Huy chương Vàng môn đá cầu, 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc môn đẩy gậy và 1 Huy chương Đồng môn điền kinh. Xã Trịnh Tường được Trung tâm Huấn luyện Thể dục - Thể thao của tỉnh lựa chọn là vùng có nhiều “hạt giống” tốt cho ngành thể dục - thể thao thành tích cao. Gần đây nhất, đã có những nhân tố của xã Trịnh Tường đoạt Huy chương Vàng cấp quốc gia trong các môn thể thao, như em Phàn Tà Mẩy, Đoàn Thị Nhung... Đó là nguồn động viên lớn đối với thầy giáo Hòa trong công tác giảng dạy môn thể dục - thể thao ở vùng cao này.

Môi trường giảng dạy giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn thực tế có rất nhiều khác biệt. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, tình yêu nghề, hàng nghìn thầy, cô giáo đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp “trồng người” tại các thôn, bản vùng cao và họ đã tìm thấy niềm vui, niềm tự hào cho riêng mình. Thật đáng khích lệ biết bao khi những niềm vui ấy được xây đắp từ lòng nhiệt huyết, tình yêu thương và lòng bao dung đối với thế hệ trẻ.

Theo Phương Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.