Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước đột phá quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. “Chìa khóa” giúp Lào Cai đạt được kết quả này là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa tại Bắc Hà.              Ảnh: Ngọc Bằng

Phóng viên: Được ví như động lực tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp, xin đồng chí cho biết kết quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, hiện toàn tỉnh có gần 529 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1.158 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất/ha bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm. Một số diện tích cho giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất truyền thống như: Hoa ly đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm, hoa hồng đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; rau ôn đới trái vụ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; cây dược liệu đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả ôn đới đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm… Ngoài ra, việc phát triển các vùng sản xuất quy mô tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa các loại sử dụng công nghệ cấy mô trong sản xuất, phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP… đem lại giá trị và hiệu quả cao. Đặc biệt, vụ Xuân năm 2016, tỉnh thực hiện sản xuất lúa cánh đồng một giống với diện tích trên 1.300 ha cho năng suất bình quân đạt 73,2 tạ/ha (cao hơn so với bình quân của tỉnh là 16,3 tạ/ha), giá trị tăng thêm đạt trên 13 triệu đồng/ha. Ngô trồng mật độ dày với diện tích 560 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha (cao hơn so với năng suất bình quân chung toàn tỉnh 33,7 tạ/ha), giá trị tăng 15 - 16 triệu đồng/ha, cá biệt có diện tích tăng trên 20 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng, hình thành các vùng tập trung, theo hình thức trang trại, chăn nuôi công nghiệp, sử dụng giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh... Trong lĩnh vực thủy sản, đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong khâu sản xuất giống. Hiện, Lào Cai đã cơ bản chủ động sản xuất được con giống (rô phi đơn tính, chép lai V1, trắm...); đẩy mạnh khảo nghiệm nhiều giống cá mới có tiềm năng để đưa vào sản xuất đại trà (lăng chấm, chiên, nheo vàng). Nhiều địa phương đã rất tích cực, chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức triển khai, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất; bước đầu đã có kết quả tốt, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trong năm 2017.

Phóng viên: Thưa đồng chí, bên cạnh những thuận lợi, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp phải khó khăn, thách thức gì?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Có thể kể đến một số khó khăn gặp phải trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Nhận thức về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của một số cán bộ và đại bộ phận nông dân còn hạn chế; do nhận thức của người dân chưa cao nên việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật gặp khó khăn; các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác chưa nhiều, hoạt động kém hiệu quả; thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai một số mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp nhưng không đạt được như mong muốn, do ý thức chấp hành cam kết hợp đồng của người dân không cao, thiếu lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp đồng liên kết sản xuất dễ bị phá vỡ… Mạng lưới cán bộ kỹ thuật mỏng, trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao; cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc. Chính sách ưu đãi, thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, thiếu nguồn lực cho quá trình triển khai thực hiện; đầu tư cho mạng lưới, hệ thống phân phối sản phẩm nông sản chưa được quan tâm đúng mức; chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.

Ngoài ra còn phải kể đến một số hạn chế: Chưa có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận chưa hình thành; vấn đề tích tụ đất đai, giải quyết đất đai cho doanh nghiệp thuê gặp nhiều trở ngại, nhất là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư.

Phóng viên: Những giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới được Lào Cai triển khai là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra cho ngành nông nghiệp nhiệm vụ rất nặng nề, đó là nâng giá trị sản xuất/ha đất canh tác đến năm 2020 đạt trên 80 triệu đồng/năm (năm 2015, giá trị sản xuất/ha đất canh tác mới đạt 51,42 triệu đồng/năm). Do đó, để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh xác định đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp then chốt.

Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ cán bộ đến người dân, doanh nghiệp nhằm chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, lao động kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu; bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân; có cơ chế chính sách về đất đai, khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, HTX từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong sản xuất và liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân). Đẩy mạnh tổ chức xây dựng hệ thống phân phối, quảng bá, giới thiệu, cung ứng sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông sản Lào Cai. Đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và tiếp nhận tiến bộ khoa học mới vào sản xuất nông nghiệp…

Ngành nông nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương cũng như sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đạt nhiều kết quả trong những năm tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn.


 

Theo Thu Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.