No ấm vùng biên

Cuộc sống nơi biên cương địa đầu Tổ quốc vốn khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhưng với bản lĩnh và nghị lực phi thường, những người dân vùng biên ải Lào Cai đã xây dựng được cộng đồng ổn định, đoàn kết, hữu nghị, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Trù phú A Mú Sung (Bát Xát).

Gia đình ông Giàng Bình là một trong những hộ giàu có nhất thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu (Mường Khương) nhờ trồng chuối, dứa, cao su… Nhưng qua tiếp xúc, cách sống giản dị, thong thả của ông, thì khó ai có thể nhận ra đây là một trong những “phú nông” thôn vùng biên. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, ông Bình ngả lưng trên chiếc võng trong tán rừng cao su xanh mướt, mát lành, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Thấy chúng tôi đến thăm nhà, ông Bình ngồi dậy rót chén chè xanh tiếp khách. Nhấp ngụm chè, ông Bình chia sẻ cùng chúng tôi về quá khứ vất vả và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của gia đình ông nơi vùng đất mới.

Sinh ra và lớn lên ở xã Cao Sơn (Mường Khương), tuổi thơ của ông Bình cũng như những đứa trẻ vùng cao khác thời trước, nheo nhóc, đói khổ. Năm 1985, khi tròn 20 tuổi, chàng thanh niên người dân tộc Mông quyết định đưa vợ con đi tìm vùng đất mới lập nghiệp. Hành trang trên vai ông Bình ngày đó chỉ là vài bộ quần áo cũ, mấy cân gạo và vài chiếc nồi nhôm méo mó đến Na Lốc 1 lập nghiệp. Nơi vùng biên hiu quạnh, ông Bình cùng vợ cố gắng kiếm cây, que, dựng một túp lều nhỏ để lấy chỗ che mưa, che nắng cho gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi đi, cái nghèo, đói vẫn cứ đeo đẳng vợ chồng ông. Những vạt đồi mới khai hoang được vợ chồng ông Bình trồng ngô, sắn, nhưng năm nào được mùa thì cũng chỉ đủ ăn. Nhiều đêm trăn trở, ông Bình nghĩ cứ khổ thế này thì có thể sẽ phải đưa vợ con tiếp tục phiêu lưu đến một vùng đất khác, tìm cơ hội đổi đời.

Đang lúc bế tắc, năm 1995, một lần sang thăm nhà người bạn bên Trung Quốc, ông Bình may mắn học được kinh nghiệm trồng cây chuối cấy mô, cây dứa. Lúc đầu chưa có vốn, ông Bình chỉ trồng số lượng hạn chế. Nhưng khi thấy hiệu quả từ trồng chuối cấy mô, dứa mang lại gấp nhiều lần cây sắn, ngô, ông quyết định vay vốn để mở rộng diện tích. Vụ chuối, dứa năm 1999 dù đã qua rất lâu, nhưng ông Bình vẫn nhớ như in niềm vui chuối, dứa được mùa, được giá, đã mang về cho gia đình ông 700 triệu đồng lợi nhuận. “Đây là một con số quá lớn, từ trước đến nay tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Cầm tiền trong tay mà cứ run run, không biết sẽ làm gì với số tiền này”, ông Bình nhớ lại.

Để mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô, dứa, ông Bình quyết định bỏ ra hơn 300 triệu đồng mua đất, cây giống, thuê người trồng, chăm sóc. Từ đó đến nay, năm nào gia đình ông Bình cũng thu được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán chuối, dứa. “Nhà xây lúc nào cũng được, điều tôi mong nhất là sớm mua được cái ô tô để đưa vợ con về Cao Sơn thăm bà con họ hàng được an toàn, tiện lợi”, ông Bình bộc bạch.

Rời Bản Lầu, chúng tôi tìm về vùng biên Bát Xát. Sau gần một giờ đi xe máy từ trụ sở UBND xã A Mú Sung (Bát Xát) đến thôn Lũng Pô 2, hiện ra trước mắt chúng tôi là khung cảnh thanh bình với những nếp nhà sàn vững chãi, soi bóng xuống dòng suối Lũng Pô hiền hòa. Mặc dù đang tất bật thu hoạch vụ chuối cùng gia đình, nhưng Trưởng thôn Lũng Pô 2 Lù Seo Lử vẫn tranh thủ dẫn chúng tôi đi ngắm một vòng quanh thôn. Chỉ tay về phía vườn chuối xanh mướt, Trưởng thôn Lử tâm sự: “Cây chuối giúp người dân Lũng Pô 2 thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện, toàn thôn Lũng Pô 2 có hàng trăm ha chuối cấy mô, dứa đã cho thu hoạch”. Anh Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung - người đã có nhiều năm gắn bó với thôn Lũng Pô 2 khẳng định: “Thôn Lũng Pô 2 có 35 hộ dân, chủ yếu là người Mông ở xã Dìn Chin (Mường Khương) xuống đây lập nghiệp từ thế kỷ trước. Người dân ở Lũng Pô 2 rất chăm chỉ, năng động, nên cuộc sống của họ khấm khá hơn những thôn khác. Hiện, toàn thôn chỉ có 5 hộ nghèo xét theo đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/năm. Việc mỗi hộ thu từ 200 - 300 triệu đồng/năm ở thôn Lũng Pô 2 giờ đây không còn là hiếm”. Kinh tế ổn định, bà con trong thôn quan tâm tới việc đầu tư cho con em học tập. Hiện tại, tất cả trẻ em trong thôn đều được đi học đầy đủ. Đặc biệt, Lũng Pô 2 là một trong số ít những thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu thôn văn hóa tiêu biểu của xã A Mú Sung.

Bao khó khăn, vất vả trước đây của người dân vùng biên ải Lào Cai đã được đền đáp lại bằng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chia tay những mảnh đất vùng biên, nhưng hình ảnh những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường nông thôn mới xe chạy bon bon và tiếng trẻ ê a học bài… khiến chúng tôi dấy lên một niềm tin về những mảnh đất biên ải Lào Cai mỗi ngày một khởi sắc./.

 
Theo Tất Đạt/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.