Thành phố Lào Cai: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích

 Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được thành phố Lào Cai xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII về xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, trong những năm qua, thành phố Lào Cai đã coi trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn, như trùng tu, tôn tạo, lập hồ sơ xếp hạng các di tích… Hiện, trên địa bàn thành phố có 10 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 3 di tích lịch sử văn hóa quốc gia là: Đền Thượng, Đền Mẫu và Đền Cấm; các di tích Đền Đôi Cô, Chùa Cam Lộ và Đền Quan được UBND tỉnh xếp hạng. Ngoài ra, thành phố Lào Cai còn có một số di tích khác như: Đền Am, Chùa Tân Bảo, Khu di tích lịch sử cách mạng Cam Đường đang được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và từ ngân sách địa phương. Trong thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố đã làm tốt vai trò tham mưu chỉ đạo và tổ chức quản lý, phát huy giá trị các di tích, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Du khách đến tham quan Đền Mẫu.

Di tích Đền Thượng, nơi thờ Đức Thánh Trần (Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn) được Nhà nước xếp hạng năm 1996, nơi đây sơn thủy hữu tình, có cây đa hơn 300 năm tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Hằng năm, Lễ hội xuân Đền Thượng được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, các hoạt động văn hóa được duy trì tại lễ hội theo đúng nghi thức truyền thống. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, viết chữ thư pháp, tư vấn việc làm, hoạt động thể thao cũng được tổ chức trong dịp này. Chỉ tính riêng Lễ hội xuân Đền Thượng năm 2016 đã thu hút trên 62.000 lượt du khách tới tham quan, chiêm bái, tăng gấp 6 lần so với dịp lễ hội năm 2015. Sáu tháng đầu năm 2016, các điểm di tích trên địa bàn thành phố Lào Cai đã đón trên 299.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2015.

Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được thành phố Lào Cai đặc biệt quan tâm. Năm 2015, thành phố đã dành 3,8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp Đền Quan và huy động nguồn xã hội hóa hơn 500 triệu đồng cho việc trùng tu, tôn tạo Đền Thượng. Theo kế hoạch, năm 2016, thành phố Lào Cai tiếp tục sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục tại Đền Thượng, như lát đá, xây tường bao, các công trình dân sinh, kinh phí dự toán gần 8 tỷ đồng. Song song với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, trong những năm qua, thành phố đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng ấn phẩm quảng bá giới thiệu “Thành phố Lào Cai - di tích lịch sử văn hóa tâm linh”. Ngoài ra, việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kiến thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phổ biến các nội dung Luật Di sản, ban hành Chỉ thị về quản lý lễ hội được thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện.

Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Lào Cai đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ trong những năm qua, góp phần quan trọng đưa Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống. Tuy nhiên, những khó khăn, tồn tại mà thành phố Lào Cai đang gặp phải là đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các di tích lịch sử hầu hết chưa qua đào tạo chuyên ngành, còn thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác tu bổ, sửa chữa các di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi công tác xã hội hóa chưa đạt kết quả như mong muốn.

Về kế hoạch thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và nhiệm vụ gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong những năm tới, thành phố Lào Cai sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác quản lý và phục vụ tại các điểm di tích lịch sử. Cùng với đó, quan tâm công tác xếp hạng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế du lịch. Coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Lào Cai./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.