Ðằng sau mỗi tác phẩm báo chí

Nghề làm báo gắn liền với những chuyến đi và sản phẩm để lại là những tác phẩm báo chí đến với bạn đọc. Thế nhưng, đằng sau mỗi tác phẩm có biết bao nhọc nhằn mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hiểu.

Nghề báo không có tuổi

Với nghề làm báo, không chỉ những nhà báo trẻ còn đang sung sức mới tích cực đi cơ sở viết bài, mà những nhà báo có tuổi yêu nghề dù đã nghỉ hưu vẫn hăng say với công việc của người cầm bút, đam mê đi và viết, không quản ngại khó khăn, vất vả. Chính bản thân họ đã là một “định nghĩa” về người làm báo thực thụ. Nhà báo Phạm Ngọc Triển, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai là một người như thế.

Nhà báo Phạm Ngọc Triển (trái ảnh) dù đã nghỉ hưu vẫn dành thời gian viết báo.

Khi còn là lãnh đạo Báo Lào Cai, nhà báo Phạm Ngọc Triển nổi tiếng là người cương trực và nghiêm khắc với các cây bút trẻ. Mỗi khi phát biểu trong cuộc họp, ông luôn khen, chê rõ ràng, thẳng thắn phê bình, nhắc nhở các phóng viên mắc lỗi trong tác nghiệp. Vậy nhưng ngoài đời, ông sống giản dị, chân tình, gần gũi, vì thế luôn được phóng viên trẻ yêu mến, quý trọng. Ở cương vị lãnh đạo, nhà báo Phạm Ngọc Triển vẫn say mê với công việc của phóng viên. Ông hay đi, giỏi phát hiện những đề tài mới lạ để thông tin đến bạn đọc trên Báo Lào Cai, Dân trí, Tuổi trẻ… Từ những mẩu tin nhỏ như con dúi bị bán dưới chân đèo, chuyện về loài chim lạ mới xuất hiện, đến những thông tin thời sự nóng hổi, hay bài viết về các chợ phiên trên vùng cao Lào Cai, các điểm du lịch hấp dẫn, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, các món ăn lạ trong dịp Tết của đồng bào Tây Bắc… đều được thể hiện bằng lối viết ngắn gọn và dễ hiểu, nhưng chứa đựng nhiều thông tin cho bạn đọc.

Mặc dù đã nghỉ hưu, sức khỏe không còn như trước, nhưng nhà báo Phạm Ngọc Triển vẫn dành thời gian viết báo. Ông thường đồng hành với con trai là nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Phạm Ngọc Bằng tác nghiệp trên khắp các cung đường vùng cao Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà… để đưa thông tin đến bạn đọc. Nhà báo Phạm Ngọc Triển tâm sự: Nhà báo phải năng động, sáng tạo, thường xuyên rèn giũa, làm mới chính bản thân mình, không được phép hài lòng với những gì đã có, đã làm được. Chỉ như thế, nhà báo mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có vốn sống dày dặn, cho ra các tác phẩm hay, sâu sắc, để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Với những nhà báo trẻ, càng cần phải tự học hỏi để “mài” cho ngòi bút thêm “sắc”, đem đến những thông tin chính xác, nhanh nhạy, hấp dẫn bạn đọc, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại.

Hạnh phúc bởi được sẻ chia

Nhắc đến nhà báo Phạm Thanh Huyền, hiện đang công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai, nhiều người gọi chị bằng biệt danh dễ mến là nhà báo “chắp cánh ước mơ”. Gắn bó với nghề làm báo từ khi tái lập tỉnh đến nay, chị Phạm Thanh Huyền vẫn đảm nhiệm công việc của cán bộ Phòng Kỹ thuật sản xuất chương trình, nhưng mấy năm nay, chị kiêm thêm vai trò là Chủ nhiệm chương trình “Chắp cánh ước mơ” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai. Đây chính là “nhịp cầu nhân ái” mà nhà báo Phạm Thanh Huyền dồn bao tâm sức gây dựng nên, để mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, giúp họ thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Nhà báo Phạm Thanh Huyền luôn bận rộn với chương trình “Chắp cánh ước mơ” vì những mảnh đời bất hạnh.

Chị Phạm Thanh Huyền tâm sự: Làm chương trình từ thiện, chuyến đi nào cũng đầy ắp kỷ niệm xúc động. Tôi còn nhớ mãi chuyến đi làm chương trình về hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Vũ Thị Thúy ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Chị Thúy có chồng là anh Phạm Văn Chính bị bệnh hiểm nghèo đang ốm liệt giường, hai con nhỏ cũng mắc bệnh nặng từ khi mới sinh, chỉ mình chị Thúy tần tảo gánh vác mọi việc trong gia đình. Chứng kiến cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt. Bất hạnh vậy mà nét mặt chị Thúy vẫn luôn tươi cười, khiến ai cũng nghĩ chị thật vô tâm. Khi tâm sự với tôi, chị bảo rằng đêm nào chị cũng âm thầm khóc, nhưng khi mặt trời lên, chị phải cố tỏ ra vui vẻ, lạc quan để chồng con không hoang mang, để không khí gia đình không chìm trong buồn đau. Chị mà khóc lóc, thì bệnh tật của chồng con sẽ nặng thêm, khi ấy mình cũng quỵ ngã mất.

Bằng cảm nhận của tấm lòng chia sẻ và yêu thương dành cho gia đình chị Thúy, chị Phạm Thanh Huyền đã bày tỏ được nỗi đau cùng tận của một người vợ, một người mẹ. Sau khi chương trình phát sóng câu chuyện về gia đình chị Thúy, đã có rất nhiều nhà hảo tâm gửi tiền đến giúp đỡ gia đình chị, chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Khi được hỏi tại sao công việc bận rộn vậy mà chị vẫn dành thời gian cho một chương trình không bắt buộc phải làm, nhà báo Phạm Thanh Huyền chia sẻ: Là một nhà báo, chứng kiến những con người bất hạnh, tôi thấy mình phải có trách nhiệm làm điều gì đó cho họ. Có thể tôi đã mang đến cho họ chút niềm vui, tiếng cười trong những phút giây ngắn ngủi, nhưng đổi lại, chính những con người bất hạnh cũng tạo cho tôi niềm hạnh phúc. Hạnh phúc bởi được sẻ chia, được gửi trao và được đón nhận. Tôi mới là người phải biết ơn họ, vì họ đã dạy cho tôi nhận ra giá trị của cuộc sống, của tình yêu thương.

Nhà báo làm điều tra là tự học cách nhập vai

Trong số những người đang công tác tại Báo Lào Cai, nhà báo Đinh Cao Cường được nhiều người biết đến với nhiều loạt phóng sự điều tra gai góc về các đề tài chống tiêu cực xã hội. Trò chuyện với tôi về thể loại báo chí đặc biệt này, nhà báo Đinh Cao Cường chia sẻ: Làm điều tra là bạn muốn đưa ra ánh sáng một hiện tượng, vấn đề nào đó đang bị bưng bít, mà nhiều người chưa biết, cũng có nghĩa sự thật ấy sẽ khiến cho cuộc sống, lợi ích của ai đó hoặc một nhóm người nào đó bị ảnh hưởng. Như vậy, nhà báo là người đầu tiên, người trực tiếp tạo ra mâu thuẫn trong một vấn đề trước khi được bạn đọc, công chúng ủng hộ. Bởi thế, người làm báo cần rèn luyện bản lĩnh, chấp nhận rủi ro có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào trong qúa trình tác nghiệp.

Nhà báo Đinh Cao Cường (trái ảnh) nhập vai thực hiện phóng sự điều tra về tiêu cực xã hội.

Hơn 10 năm làm phóng viên tại Báo Lào Cai, nhà báo Đinh Cao Cường cho rằng, để tiếp cận với thực tế, hiện trường và khai thác nguồn tin chính xác, khách quan nhất thì nhà báo không còn con đường nào khác là nhập vai. Người thầy tốt nhất và quyển sách hay nhất giúp nhà báo nhập vai chính là thực tế cuộc sống. Có lẽ vì thế, trong đời làm báo của mình, anh đã nhập hàng chục vai khác nhau để tiếp cận với hiện trường các vụ khai thác lâm sản trái phép, các vụ phá rừng tự nhiên nghiêm trọng. “Do địa bàn các vụ khai thác rừng trái phép thường ở khu vực núi cao, xa khu dân cư và xa đường giao thông, đặc biệt là lâm tặc rất manh động, hung hãn, nên việc nhập vai cần phải tính toán kỹ lưỡng. Tôi phải vào nhiều vai khác nhau, có lần nhập vai người địa phương đi lấy thuốc, đi chăn trâu, có lần lại bắt chước giọng miền Trung để vào vai người đi tìm trầm, cũng có lần khá phủi trong vai người buôn gỗ lậu, thậm chí có lúc vào chính vai lâm tặc với rìu, cưa máy trên vai. Còn để tiếp cận với các điểm khai thác vàng trái phép, các “bưởng bãi”, các “lãnh chúa” vùng khoáng sản, thì việc nhập vai càng phải cần “chu đáo” hơn bởi sự nguy hiểm luôn cận kề và hậu quả khó lường nếu bị phát hiện”, nhà báo Cao Cường chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh, việc nhập vai của nhà báo điều tra không đơn thuần là vẻ bề ngoài như trang phục, cách diễn đạt, biểu cảm mà còn là sự thông hiểu về bản chất sự việc, vấn đề đang điều tra. Bởi lẽ, muốn khai thác thông tin phải tiếp xúc, trò chuyện với đối tượng, phải lân la, thậm chí có hành động, động tác như người trong cuộc, nếu không nhà báo chẳng thu lượm được thông tin gì hoặc việc nhập vai trở nên vô nghĩa.
 

Theo Tuấn ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.