Tháng tư nghĩ về đại đoàn kết toàn dân tộc

41 năm trước, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc trường chinh vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một cuộc chiến tranh dài ngày, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nó diễn ra trong bối cảnh thế giới cực kỳ phức tạp, và dẫu rằng việc biến yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực là nhân tố rất quan trọng nhưng đó không phải là nhân tố quyết định thắng lợi. Sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc với Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ là to lớn và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh sự biểu hiện tinh thần và nghĩa vụ quốc tế cao cả thì sự ủng hộ và giúp đỡ đó cũng hàm chứa cả lợi ích quốc gia dân tộc của các nước đó.

Diễu hành chào mừng Ngày chiến thắng 30/4 lịch sử.

Để có được chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ đó, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua chặng đường đấu tranh đầy cam go và thử thách với những hy sinh mất mát to lớn. Chúng ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bằng tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, bằng chính sức mạnh nội lực được tạo bởi tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình tìm hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều chính khách, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng người Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng bằng bản lĩnh, trí tuệ và văn hóa giữ nước mang đậm bản sắc Việt Nam.

Có nhiều nhân tố đưa đến thắng lợi vĩ đại này của dân tộc nhưng có lẽ, trước hết và trên hết, Đại thắng mùa Xuân 1975 là biểu tượng của tinh thần và sự kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, để tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chủ trương mở rộng và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất: "Từ Nam đến Bắc ai là người tán thành hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta sẵn sàng đoàn  kết  với họ, thật thà hợp tác với họ, dù từ trước tới nay họ đã theo phe phái nào".

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngay sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, tiếp tục khẳng định chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Trên tinh thần ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp, mọi giới, mọi thành phần dân tộc với một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi "Không có gì quý hơn độc lập tự do".

Sức mạnh của nhân dân, của ý chí và lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng Lao động Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động và quy tụ, tạo thành một sức mạnh nội lực to lớn để chống lại một đội quân xâm lược nhà nghề có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự vượt trội. Không phải tiềm lực kinh tế hay quân sự; không phải sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN… mà chính khối đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở rộng rãi và vững chắc để tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc.

Điều gì đã kết nối và hội tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc nếu không phải là những chủ trương, chính sách thuận ý Đảng, hợp lòng dân? Là sự trân trọng và biết quy tụ các lực lượng có tinh thần dân tộc, yêu nước và tiến bộ ở cả trong và ngoài nước - những con người vừa có quyết tâm, lại vừa có tín tâm. Dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều gương mặt nhân sĩ, trí thức yêu nước kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc đã được quy tụ như các luật sư: Ngô Bá Thành, Trần Ngọc Liễng; các giáo sư Châu Tam Luân, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, các dân biểu Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Hàm, Thượng tọa Thích Pháp Lan, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Quảng Klong, Ni sư Huỳnh Liên, Linh mục Chân Tín, Linh mục Phan Khắc Từ, nhà báo Huỳnh Bá Thành, nghệ sĩ Kim Cương, nghệ sĩ Thanh Nga, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm…

Họ là những nòng cốt của lực lượng thứ ba có xuất thân khác nhau, thậm chí một số phục vụ trong bộ máy chính quyền Sài Gòn…, nhưng ở họ đều có điểm chung - đó là lòng yêu nước, nguyện dấn thân đồng hành cùng dân tộc để đánh đuổi xâm lược, xây dựng một đất nước hòa bình, dân chủ và hòa hợp dân tộc. Có thể thấy, chính sách đại đoàn kết của Đảng, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến không chỉ động viên được sự tham gia của đông đảo các lực lượng, các thành phần trong xã hội, mà quan trọng hơn là đã tác động tích cực tới mục đích và chất lượng đấu tranh của họ.

Xây dựng, phát triển mặt trận thống nhất dân tộc trên cả hai miền là một thành công điển hình về tổ chức tập hợp lực lượng cả dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu chung là chống chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Điều này lý giải vì sao khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và đội quân tay sai không chỉ phải đương đầu với đội quân chủ lực của cách mạng trên chiến trường; mà còn phải đương đầu với cả những tổ chức chính trị - xã hội, những hội, những nhóm độc lập của những người có cảm tình với cách mạng, thậm chí cả những lực lượng thân Pháp, những người từng phục vụ trong bộ máy chính quyền do Mỹ trực tiếp dựng lên, những lực lượng trung lập có tinh thần dân tộc và luôn khát khao với độc lập, tự do. Đây cũng chính là một trong những đặc điểm của cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho hậu thế những bài học lịch sử có giá trị, trong đó bài học lớn nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Sài Gòn vừa được giải phóng, trong buổi tiếp ông Dương Văn Minh - nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Tướng Trần Văn Trà - Trưởng ban Quân quản đã nói một câu đầy ý nghĩa và mang tính chất thông điệp: Giữa chúng ta không có kẻ thắng, người thua mà chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả để lại không dễ gì đã khắc phục được hết; đặc biệt là hậu quả về định kiến. Đây cũng chính là một "kẽ hở" mà các thế lực thù địch hiện đang lợi dụng triệt để nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt là trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, chúng ta càng phải thấm nhuần và phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ. Bài học đó có sức sống trường tồn và không chỉ có giá trị trong thời chiến; mà cả trong thời bình, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình Biển Đông gia tăng căng thẳng như hiện nay.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã gửi đi một thông điệp: Tôn trọng và chấp nhận những ý kiến trái chiều, miễn là những ý kiến đó không làm tổn hại đến lợi ích dân tộc, quốc gia. Sự đổi mới này thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho tất cả những người mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng cho dù ở trong nước hay nước ngoài bằng cách này hay cách khác, kể cả những phản biện xã hội, đang muốn cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định giá trị trường tồn của bài học đại đoàn kết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc./.

Theo Hà Nội Mới

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...