Cả nước có 1.166 người được lập danh sách ứng cử ĐBQH

Tính đến ngày 18/3, các cơ quan Trung ương, địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc hiệp thương lần hai, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong cả nước có 1.166 người đã được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai.

Ở Trung ương, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đã biểu quyết nhất trí thông qua Danh sách sơ bộ 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Tổng hợp sơ bộ của phóng viên thường trú TTXVN tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các tỉnh, thành phố đã có 969 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 7.462 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Theo nhận định của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân gửi đến đều được các cơ quan, đơn vị làm đúng, đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục và quy trình, đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, đúng luật, đạt yêu cầu cơ bản về cơ cấu, thành phần do Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã quyết định.

Theo kế hoạch, từ ngày 20/3 đến 12/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc về người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17/4/2016.

 

Hà Nội biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH. Ảnh Hà Nội mới

Từ  ngày 15-18/3,  các địa phương: TP.HCM, Hà Giang, Lai Châu, Bình Thuận, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Yên, An Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Hậu Giang... đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần 2 để thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

* Ngày 17/3, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong 87 người ứng cử ĐBQH, có 48 người tự ứng cử và 39 người do các tổ chức, đơn vị giới thiệu. Trình độ người ứng cử ĐBQH kỳ này được nâng cao, tiến sĩ tăng 5,06%; đại học, cao đẳng tăng 3,09%. Hội nghị đã hiệp thương, biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH.

Trong số 205 hồ sơ đại biểu ứng cử HĐND thành phố, có 9 hồ sơ tự ứng cử. Chất lượng ứng viên HĐND có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng 22,52%; cơ cấu nữ tăng 3,46%. Sau khi thảo luận, hội nghị đã biểu quyết 100% tán thành số lượng 205 người ứng cử đưa vào danh sách sơ bộ, chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

 

Tại hội nghị hiệp thương lần hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố cho biết tất cả các đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đã tiến hành đầy đủ 3 nội dung của bước 2 của quy trình hiệp thương. Các hội nghị cử tri nơi công tác được tiến hành dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các cử tri nhất trí cao với dự kiến người ứng cử của lãnh đạo cơ quan tổ chức đơn vị. Hiện MTTQ chưa nhận được trường hợp nào phản ánh các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đối với người ứng cử cần phải xác minh.

* Chiều 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau khi thảo luận, cho ý kiến về quy trình, thủ tục giới thiệu, hồ sơ của người ứng cử, các đại biểu đã biểu quyết 100% thống nhất đưa vào danh sách sơ bộ gồm 90 người ứng cử ĐBQH Khóa XIV tại TPHCM. Kết quả này làm cơ sở để UBMTTQ Việt Nam các địa phương có người ứng cử cư trú tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri.

Đối với người tự ứng cử, sẽ lấy ý kiến cử tri nơi công tác, làm việc và nơi cư trú, bảo đảm đúng quy trình và quy định, qua đó giúp cho cử tri chọn lựa, giới thiệu được những người thật sự xứng đáng đưa vào danh sách chính thức ứng cử ĐBQH Khóa XIV.

* Ngày 17/3, các đại biểu dự Hội nghị Hiệp thương lần 2 do MTTQ tỉnh Đồng Nai tổ chức đã thống nhất danh sách người ứng cử ĐBQH là 23 người; trong đó Trung ương giới thiệu 5 người, địa phương giới thiệu 15 người, tự ứng cử 3 người.

Đối với đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016 – 2020, hội nghị thống nhất danh sách 147 người được giới thiệu ra ứng cử và 1 người tự ứng cử. Trong đó tỷ lệ người được giới thiệu thuộc thành phần tôn giáo chiếm 5,4%; tỷ lệ dân tộc chiếm 2,02%; tỷ lệ nữ chiếm 40,54%; ngoài Đảng chiếm 13,51%; trẻ tuổi 32,4%; trí thức 95,94%.

* Tại Trà Vinh, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất danh sách người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV gồm 9 người. Về cơ cấu, thành phần người ứng cử ĐBQH có 3 người là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 33,33%; có 4 người là nữ, chiếm tỷ lệ 44,44%; có 2 người trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ 22, 22 % và có 1 người tái cử, chiếm tỷ lệ 16,66%.

Danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm 88 người. Về cơ cấu, thành phần có 26 người là dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 29,54%; có 32 người là nữ, chiếm tỷ lệ 36,36%; có 10 người trẻ tuổi, chiếm tỷ lệ 11,36%; có 12 người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 13,63% và có 12 tái cử, chiếm tỷ lệ 24%.

* Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết 100% nhất trí chốt danh sách sơ bộ số người ứng cử ĐBQH khóa XIV tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 10 người; trong đó có 9 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu, còn 1 người tự ứng cử.

Các đại biểu cũng thảo luận và biểu quyết 100% nhất trí chốt danh sách sơ bộ 90 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VI nhiệm kỳ 2016-2021.

* Tại Ninh Thuận, các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết đạt tỉ lệ 100% nhất trí lập danh sách sơ bộ 12 người ứng cử ĐBQH khóa XIV tại Ninh Thuận (trong đó có 2 đại biểu Trung ương); lập danh sách 86 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2021 đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, với cơ cấu thành phần, cơ cấu độ tuổi hợp lý, bảo đảm theo đúng tỷ lệ quy định.

* Chiều 16/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, thống nhất danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau hiệp thương lần thứ 1, trên cơ sở điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu của tỉnh gồm 6 đại biểu, trong đó Trung ương giới thiệu 2 đại biểu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu 14 người ứng cử. Ngoài số lượng người ứng cử ĐBQH được phân bổ, tỉnh Hà Giang có 1 đại biểu nữ tự ứng cử. Đối với đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, số lượng đại biểu được phân bổ 60, có 137 đại biểu được giới thiệu.

Tại vòng hiệp thương lần thứ 2, hội nghị đã thống nhất chốt danh sách sơ bộ gồm 10 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và 112 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

* Tại Tuyên Quang, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16 người và danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII là 115 người. Số lượng, thành phần, cơ cấu đại biểu đảm bảo theo quy định.

Hội nghị thống nhất việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với đại biểu Quốc hội tại 15 thôn, bản, tổ dân phố của 10 xã, phường, thị trấn ở 5 huyện, thành phố; việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với đại biểu HĐND tỉnh tại 96 thôn, bản, tổ dân phố của 27 xã, phường, thị trấn ở 7 huyện, thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Hiệp thương lần 2 của tỉnh Bình Thuận biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ giới thiệu 12 người ra ứng cử ĐBQH. Ảnh: Báo Nhân dân

* Tại Bình Thuận, Hội nghị Hiệp thương lần hai đã thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đa số các ý kiến thống nhất với báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Các đại biểu đánh giá việc triển khai các khâu trong bước hai của quy trình Hiệp thương của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV bảo đảm dân chủ; giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo luật định. Việc thực hiện giới thiệu đã đáp ứng số lượng, cơ cấu thành phần theo tinh thần đã thỏa thuận tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất.

Sau khi thảo luận, xem xét các mặt, 100% đại biểu dự Hội nghị Hiệp thương đã thống nhất biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 12 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

* Tại tỉnh Lai Châu, sau khi thảo luận, các đại biểu đã thống nhất thông qua danh sách sơ bộ số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 9 người, trong đó một người tự ứng cử và 8 người thuộc các cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử. 100% số người ứng cử là người dân tộc thiểu số; nữ chiếm 22%; trẻ chiếm 44,4%; ngoài đảng chiếm 22,2%; tái cử chiếm 22%; trình độ đại học chiếm 77,8%...

Danh sách 86 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2016-2021, đều được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu; trong đó tỉ lệ nữ chiếm 39,5%; dân tộc thiểu số 75,6%; trẻ tuổi 29,1%; ngoài Đảng 9,3%...

* Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức đã thảo luận và biểu quyết 100% nhất trí lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại thành phố Hải Phòng gồm 14 người, trong đó 12 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 2 người tự ứng cử. Trong đó, đại biểu nữ chiếm 36%; đại biểu trẻ chiếm 29%; đại biểu ngoài Đảng chiếm 21%...

* Tại Bình Dương, sau khi xem xét biên bản các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử,
hội nghị đã biểu quyết thống nhất danh sách sơ bộ 12 người ứng cử ĐBQH lần thứ XIV; danh sách 116 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, đạt yêu cầu về cơ cấu: đại biểu ngoài Đảng chiếm 12,1%; đại biểu nữ 38,8%; đại biểu trẻ 13,38%; đại biểu tôn giáo 1,7%; đại biểu dân tộc thiểu số 0,86%; đại biểu tái cử 46%.

* Ngày 16/3, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì Hội nghị Hiệp thương lần 2 để thỏa thuận sơ bộ danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XIV và HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau khi thảo luận, đóng góp ý kiến đối với báo cáo và danh sách do Ủy ban Bầu cử trình tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí biểu quyết lập danh sách  sơ bộ số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh Lạng Sơn là 10 người. Danh sách  sơ bộ số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 là 109 người, trong đó có 01 người tự ứng cử.

* Tại Hải Dương, các đại biểu đã biểu quyết đồng ý, thống nhất cao với danh sách sơ bộ 15 người ứng cử đại biểu Quốc hội và 110 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng, cơ cấu thành phần người ứng cử để hướng dẫn nội dung, trình tự tiến hành giới thiệu người ra ứng cử. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Bầu cử tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn người được giới thiệu ứng cử lập hồ sơ ứng cử theo qui định; cung cấp đầy đủ các loại tài liệu, mẫu biểu có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử…

* Hội nghị hiệp thương lần 2 tại Phú Yên đã thống nhất lập danh sách sơ bộ 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 113 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. So với tổng số hồ sơ người ứng cử do Ủy Ban bầu cử tỉnh Phú Yên bàn giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh, số người ứng cử đại biểu Quốc hội giảm 1 người và số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh giảm 2 người.

Về cơ cấu, số người ứng cử đại biểu Quốc hội có 5 đại biểu nữ, 2 đại biểu dân tộc thiểu số và 2 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi; có 1 người tự ứng cử. Đối với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, tỉ lệ số người ứng cử thuộc diện trẻ, nữ, ngoài Đảng và dân tộc đều tăng so với cơ cấu được thỏa thuận tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất; trong đó, người ứng cử thuộc diện trẻ dưới 35 tuổi có 34 người, chiếm hơn 30% so với số người ứng cử, 16 đại biểu ngoài Đảng, 7 đại biểu dân tộc thiểu số và 3 đại biểu các tôn giáo. Có một người tự ứng cử.

* Tại An Giang, hội nghị hiệp thương lần 2 đã giới thiệu danh sách 16 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và 136 người ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Các ứng cử đại biểu đều có trình học vấn từ đại học trở lên và là những người có lập trường chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; có phẩm chất đạo đức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Sau hội nghị Hiệp thương lần 2, ngày 21/3, Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cơ sở về những nội quy quy trình lấy ý kiến cử tri nơi cư trú về tiêu chuẩn của người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 để chọn đúng người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho các tầng lớp nhân dân.

* Tại Hậu Giang, ngày 15/3, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội nghị đã biểu quyết thống nhất tiếp tục giới thiệu 9 đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó tỉ lệ nữ 44,44%, dân tộc 22,22%, trẻ tuổi 11,11%, tái cử 22,22%. Đồng thời, đã thống nhất biểu quyết số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 90 người.

Tại hội nghị, đại diện UBMTTQVN tỉnh đã triển khai hướng dẫn quy trình, thủ tục lấy ý kiến đánh giá cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

(theo baodientu.chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...