Giá dầu thế giới giảm sâu bất chấp căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và Iran

Bất chấp căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) và Iran – hai thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), giá dầu thế giới trong ngày 6/1/2016 đã có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

Giá dầu mỏ thế giới tại phiên giao dịch ngày 6/1 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua.

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran – hai thành viên chủ chốt của OPEC (hiện nắm khoảng 25% tổng dự trữ dầu toàn cầu) bùng lên sau việc ngày 2/1 nhóm người quá khích ở thủ đô Tehran và thành phố Mashhad, Iran, đốt phá Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia tại đây liên quan tới việc Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia. Diễn biến này đã làm dấy lên quan ngại trên thị trường dầu thế giới. Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran khiến giá dầu Brent giao tháng 2 ở châu Âu tăng 4% vào đầu phiên giao dịch ngày 4/1, nhưng giảm 6 cent và còn 37,22 USD/thùng vào cuối ngày. Tại sàn New York (Mỹ), giá giao dịch khởi đầu là hơn 38 USD nhưng chốt phiên là 36,76 USD/thùng.
 
Theo các số liệu thị trường, vào lúc 8h56 giờ GMT (tức 15h56 giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm xuống mức 35,75 USD/ thùng, thấp hơn 67 cent so với mức thấp nhất năm 2004. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York (Mỹ) giảm xuống còn 35,51 USD/thùng sau khi đã rớt giá 79 cent trong ngày trước đó. Trong khi đó, tại New York, khép lại phiên giao dịch vào ngày 5/1/2016, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Hai giảm 79 xu Mỹ xuống còn 35,97 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 80 xu Mỹ xuống chốt phiên ở mức 36,42 USD/thùng.
 
Việc giá dầu tăng trong ngắn hạn rồi lại suy giảm ngay sau đó cho thấy những bất ổn chính trị hiện tại Vịnh Persian - vùng sản xuất dầu lớn nhất thế giới - không còn là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng vọt. Theo nhận định của giới phân tích, ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực Trung Đông tới thị trường dầu trong phiên này bị hạn chế bởi nhân tố nguồn cung dôi dư cũng như sản lượng khai thác dầu gia tăng tại các nước sản xuất dầu khác.
 
Tuy nhiên, cũng một số chuyên gia cho rằng, khi căng thẳng lên cao và cuộc đối đầu quân sự nổ ra thì nguồn cung dầu thô sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến cản trở hoạt động ở các tuyến đường ống vận chuyển lớn, hoặc tại các cảng và tuyến đường thủy. Một cuộc đối đầu quân sự giữa Saudi Arabia và Iran sẽ chắc chắn đẩy giá dầu lên mức rất cao.
 
Khẳng định vai trò là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mỹ (API) Jack Gerard cho biết: trong 1 thập kỷ qua, bản đồ địa chính trị về năng lượng đã thay đổi đáng kể khi mà ngành sản xuất dầu ở Mỹ bùng nổ với sản lượng hàng ngày lên tới 9 triệu thùng. Kể từ năm 2013, Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ đặc biệt rõ rệt sau khi Quốc hội nước này quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn được áp dụng suốt 4 thập kỷ qua. Với động thái này, Mỹ trở thành một nguồn cung thay thế trong trường hợp các quốc gia sản xuất dầu khác bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị./.
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.