Xoá mù chữ cho người dân

Những năm qua, thành phố Lào Cai luôn là lá cờ đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh, nhất là công tác xóa mù chữ. Để đạt mục tiêu đến năm 2017 được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, thành phố đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Có mặt tại lớp học xoá mù chữ thôn Củm Hạ (xã Đồng Tuyển), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhiều người đã gần 60 tuổi, nghiêm túc học, ghép vần và tập viết theo hướng dẫn của cô giáo. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong số các học viên có những người chưa từng đến lớp và cả những người tái mù chữ.

Học viên Hoàng Thị Hiền, ở thôn 4, xã Đồng Tuyển tâm sự: Năm nay tôi 48 tuổi, do hồi nhỏ, gia đình nghèo, đông anh em, nên không được đến trường học chữ. Không biết chữ khổ lắm, không thể tự làm một số việc đơn giản, như ghi lại số điện thoại của người thân; mua gói bánh cũng không biết đã hết hạn hay chưa; đi chợ bán rau cũng không biết tính tiền… Vì thế, tôi rất mong được đi học. Nay được Nhà nước mở lớp, cấp sách vở, tôi vui lắm. Từ hôm khai giảng đến nay, tôi chưa nghỉ buổi học nào.



Lớp xóa mù chữ ở Tả Phời 1.

Cũng như chị Hiền, chị Lý Thị Tem, ở thôn 5, xã Đồng Tuyển không được đi học từ nhỏ do nhà đông anh em, lại nghèo khó. Chịu nhiều thiệt thòi do không biết chữ, chị càng mong ước được đi học. Khi lớp xoá mù chữ được mở tại xã, dù rất bận, nhưng chị quyết tâm theo học. “Tôi đi học còn để làm gương cho con cháu noi theo. Học để tự viết được tên mình, biết tính toán mỗi khi đi chợ”- chị Tem chia sẻ.

Theo thống kê, thành phố Lào Cai hiện có 800 người mù chữ và tái mù chữ, tập trung ở độ tuổi từ 15 - 60. Từ năm 2013 - 2015, thành phố mở được 17 lớp xoá mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 463 học viên. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thành phố mở được 9 lớp với 223 học viên, góp phần giảm tỷ lệ người mù chữ từ 1,2% (năm 2013) xuống còn 0,9%. Để đạt được kết quả về công tác xóa mù chữ, đặc biệt là thực hiện thành công các lớp xóa mù chữ tại địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố trong công tác chỉ đạo xóa mù chữ; đẩy mạnh việc huy động và duy trì học viên các lớp xóa mù chữ, bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình tham gia giảng dạy.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Công tác huy động, duy trì số lượng học viên các lớp xóa mù chữ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Nhờ đó, chất lượng các lớp xóa mù chữ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học viên tái mù chữ giảm, sau khóa học, các học viên đều đảm bảo mức tối thiểu theo quy định, như: Đọc, viết thạo, tính toán được các con số đơn giản, nâng cao kiến thức tự nhiên, xã hội...

Cô Đào Thuý Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Tuyển, phụ trách lớp xoá mù chữ tại xã Đồng Tuyển cho biết: Nhiều học viên do tuổi cao, nên định hình chữ cái rất khó, khiến việc tiếp thu kiến thức chưa nhanh. Ngoài ra, do là lao động chính trong các gia đình, nên nhiều học viên có ít thời gian ôn tập, khiến công tác xóa mù chữ gặp khó khăn. Vì vậy, muốn học viên tiếp thu bài nhanh, giáo viên phải kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học, đặt những câu hỏi gắn liền với đời sống của học viên. Mặc dù nhận thức còn hạn chế, nhưng đa số học viên rất chăm chỉ để hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Họ mong muốn sau khi kết thúc khóa học có thể tự đọc được các kinh nghiệm sản xuất qua sách, báo và áp dụng vào phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn các xã khi mở lớp xóa mù chữ đều gặp không ít khó khăn do tư tưởng trọng nam khinh nữ, kinh tế còn nghèo, mặc cảm nên ngại đến lớp, nhất là học viên nữ... Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động người dân theo học các lớp xóa mù chữ. Để khắc phục tình trạng này, các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho trưởng thôn, chịu trách nhiệm chính, phối hợp cùng giáo viên trong việc huy động học sinh ra lớp. Tại một số xã, thành viên MTTQ và các đoàn thể cùng vào cuộc, đã góp phần nâng cao chất lượng các lớp xóa mù chữ.

Việc tổ chức các lớp xóa mù chữ mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, giúp bà con tự tin trong cuộc sống, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ trên địa bàn thành phố sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa./.
Theo Kim Hoàn/LCĐT

Tin Liên Quan

Tự hào một dải biên cương

Lào Cai - tự hào một dải biên cương, nơi niềm tin và khát vọng mãi tỏa sáng.

Ưu tiên khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất

Đó là chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 19, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra ngày 1/10.

Lào Cai tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến năm 2024

Từ ngày 14/10/2024, tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với chủ đề Pháp luật với mọi người. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11).

Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XVI thông qua 9 nghị quyết

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp giải quyết công việc phát sinh) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình làm việc đề ra.

Thanh niên Lào Cai: Bước tiến nổi bật trong phong trào khởi nghiệp

Trong bối cảnh khởi nghiệp đang trở thành xu hướng toàn cầu, thanh niên Lào Cai đã chứng minh khả năng bắt nhịp và vượt qua thách thức để đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số mở ra không gian mới cho sự phát triển của Lào Cai

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại. Sớm nắm bắt và triển khai sẽ mang lại cơ hội lớn cho tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai đã tập trung cho công tác lãnh chỉ đạo nhằm phát huy...