Việt Nam: 20 năm hợp tác, đồng hành và phát triển cùng ASEAN

Cổng thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/2015 - 28/7/2015).
 


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong năm 2015 này, chúng ta kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với thời điểm ra đời của Cộng đồng ASEAN (tháng 12/2015). Việc Việt Nam gia nhập ASEAN gắn liền với quá trình đổi mới, từng bước hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời Việt Nam cũng có nhiều đóng góp ý nghĩa vào sự lớn mạnh của tổ chức này. Đây là dịp quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường Việt Nam tham gia ASEAN trong thời gian qua và định hướng cho những bước đi trong thời gian tới.

Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, có mục tiêu tổng quát là trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Đây là thành quả to lớn của ASEAN sau 48 năm ra đời, đánh dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực và tạo thêm xung lực mới cho ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức quốc tế, được dư luận quốc tế đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất.

Thành công của ASEAN là do sự tụ hội của nhiều nhân tố, nhưng trước hết là do sự chia sẻ nhiều lợi ích cơ bản cũng như tầm nhìn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những nỗ lực không mệt mỏi của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, nhưng quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam đã được khởi động từ trước đó như tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN tháng 7/1992, tham gia một số hoạt động của ASEAN từ năm 1993. Quá trình Việt Nam tham gia ASEAN luôn gắn với những chủ trương lớn về chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế khu vực hóa ngày càng gia tăng.

Từ chủ trương “đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, thi hành chính sách hữu nghị, hợp tác, tồn tại hoà bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân ta và xu thế phát triển chung của thế giới” được coi là tư tưởng chủ đạo cho hội nhập quốc tế của Việt Nam đến chủ trương “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương” và “Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, “Phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”.

Có thể nói, các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN luôn đồng hành với quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam. Ngay sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã đóng vai trò tích cực trong việc kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar, hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á. Sự hình thành ASEAN-10 đã góp phần xây dựng được mối quan hệ mới về chất giữa các nước thành viên theo chiều hướng hữu nghị, ổn định, lâu dài và hợp tác toàn diện ngày càng chặt chẽ; tạo điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh liên kết khu vực, hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN.

Tham gia xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN là một lĩnh vực hoạt động chính của Việt Nam, ở đây có thể kể đến các văn kiện quan trọng của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015) cùng các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)…

Hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn, hoạt động trên cơ sở pháp luật và lấy người dân làm trung tâm. Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN và đăng cai nhiều hội nghị lớn, trước hết là việc chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó.

Các bộ, ngành liên quan cũng như Quốc hội và các tổ chức nhân dân đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị, hoạt động quan trọng của ASEAN ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, góp phần đẩy mạnh hợp tác ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hoá một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN.

Việt Nam đã tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và quan hệ đối ngoại; thực hiện nghiêm túc các cam kết và thỏa thuận, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN 2015.

Quá trình tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực mà bao trùm là góp phần bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có việc tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước trong việc xử lý những thách thức đối với an ninh và phát triển, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Thông qua liên kết kinh tế nội khối ASEAN và các thỏa thuận Thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác, Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường trong và ngoài khu vực, tăng cường thu hút đầu tư và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế. Quá trình hội nhập ASEAN giúp Việt Nam có cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực; nâng cao năng lực thể chế và khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tư cách thành viên ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế hay liên khu vực rộng lớn hơn; qua đó, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Qua thực tiễn 20 năm tham gia hợp tác ASEAN, chúng ta đã nhận thức được đầy đủ hơn về những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, đồng thời rút ra được những bài học quý giá. Giai đoạn phát triển mới của ASEAN với những cơ hội và thách thức đan xen nhau đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ về mặt nội bộ để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN và tranh thủ được tối đa những lợi ích có được.

Một là, chúng ta cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN để có sự quan tâm và đầu tư thích đáng về nguồn lực. Khu vực Đông Nam Á và ASEAN có ý nghĩa chiến lược vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta; là địa bàn phù hợp với thế và lực của Việt Nam, là nhân tố quan trọng để Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. ASEAN xét cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, đã được xác định là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Hai là, việc ta tham gia hợp tác ASEAN cần tiếp tục theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, làm hết sức mình để góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất và có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực. Với thế và lực tăng lên, Việt Nam có thể chủ động phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong các lĩnh vực ta có lợi ích và thế mạnh, theo hướng đó, phát huy tinh thần chủ động đề xuất các sáng kiến, dự án cụ thể.

Ba là, các cơ quan liên quan cần đề ra chính sách, biện pháp và cách thức phù hợp với tính chất và mức độ liên kết ASEAN để phát huy được hiệu quả tham gia. Cộng đồng ASEAN vẫn là một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, hoạt động trên cơ sở bình đẳng chủ quyền quốc gia và nâng dần mẫu số chung về lợi ích; một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng” trong đó có sự khác biệt khá lớn về chế độ chính trị - xã hội và trình độ phát triển. Do vậy, việc kiên trì các nguyên tắc đi cùng với sự linh hoạt về biện pháp và cách thức tiến hành nhằm tranh thủ những điểm đồng, hạn chế và thu hẹp sự khác biệt, tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, góp phần nâng dần chất lượng của sự “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực là cần thiết.

Bốn là, tham gia hợp tác ASEAN được đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ, đòi hỏi sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành chức năng cũng như sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, nhất là doanh nghiệp. Hoạt động ASEAN rất đa dạng và phức tạp, diễn ra trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị - an ninh đến kinh tế và văn hóa - xã hội, không chỉ bó hẹp trong phạm vi 10 nước thành viên ASEAN và khu vực Đông Nam Á, mà cả giữa ASEAN với các đối tác lớn trên thế giới và liên quan đến các vấn đề an ninh và phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp, mang tính chất liên ngành, tác động đến nhiều tầng lớp trong xã hội.

Năm là, việc rà soát, điều chỉnh luật lệ và quy định trong nước cần được tiến hành thường xuyên, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết khu vực; tăng cường cán bộ và các bộ phận chuyên trách về công tác ASEAN của từng cơ quan; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về ASEAN và sự tham gia của Việt Nam.

Chúng ta tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của 20 năm tham gia hợp tác ASEAN tích cực, chủ động và có trách nhiệm, với vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế, và với nỗ lực và quyết tâm chính trị, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tiếp tục đồng hành và phát triển cùng ASEAN vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực./.
Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...