Hai ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Venezuela

Theo giới quan sát và nhiều người dân Venezuela, cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 14/4 tại quốc gia này sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa 2 nhân vật “nặng ký” nhất trong số 7 ứng cử viên chính thức đăng ký tranh cử vị trí lãnh đạo đất nước là Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro và ứng cử viên đảng đối lập Henrique Capriles.
 
Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro

Tổng thống lâm thời Nicolas Maduro thuộc Đảng Xã hội Thống nhất (PSUV), sinh ngày 23/11/1962, tại Caracas, Venezuela. Ông là đại diện tiêu biểu cho những người lao động của hệ thống xe buýt công cộng Caracas Metro trong những năm 1970 và 1980. Ông Nicolas Maduro và cố Tổng thống Hugo Chavez quen nhau từ ngày hai người còn ở trong tù khi tham gia cuộc đảo chính năm 1992.

Năm 1998, N.Maduro trở thành đại biểu Thượng viện và đại biểu Quốc hội trong năm 2000 và 2005, với tư cách là đại diện cho khu vực bầu cử thủ đô. Ông là Chủ tịch Hội đồng cơ quan lập pháp Venezuela từ năm 2005 và đến tháng 8/2006, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Tháng 10/2012, ông được Tổng thống Hugo Chavez bổ nhiệm làm Phó Tổng thống. Sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, ngày 8/3/2013, trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội, ông Nicolas Maduro chính thức tuyên thệ nhậm chức Quyền Tổng thống Venezuela.

Ông N.Maduro được coi là người sẽ tiếp tục những di sản của cố Tổng thống H.Chavez lúc sinh thời và cũng là nhân vật được ông H.Chavez “chọn mặt gửi vàng”. Nhà lãnh đạo này đã chứng tỏ “bản lĩnh” khi điều hành công việc hàng ngày ở Venezuela lúc Tổng thống H.Chavez phải đi điều trị ung thư ở Cuba và vắng mặt từ ngày 11/12/2012. Ông Maduro cũng có nhiều kinh nghiệm đối ngoại khi còn làm Bộ trưởng Ngoại giao và được đánh giá là người có khả năng xử lý nhanh các tình huống khó khăn.

Việc cố Tổng thống H.Chavez từng có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới tầng lớp dân nghèo ở Venezuela nên Tổng thống lâm thời N.Maduro sẽ có nhiều sự ủng hộ của tầng lớp này. Bản thân ông N.Maduro cũng khẳng định sẽ dẫn dắt đất nước tiếp tục cuộc Cách mạng Bôlivar do cố Tổng thống H.Chavez khởi xướng. Đó chính là Kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 2013 - 2019 do cố Tổng thống H.Chavez soạn thảo, nhằm làm sâu sắc những thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế tại Venezuela.

Văn kiện này đề ra 5 mục tiêu lớn gồm: Củng cố nền độc lập, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa Venezuela trở thành một cường quốc, góp phần xây dựng một thế giới đa trung tâm và đa cực và bảo tồn cuộc sống trên Trái đất.

Ứng viên đối lập Henrique Capriles

Ông Henrique Capriles sinh ngày 11/7/1972, là ứng cử viên của Liên minh đối lập Khối Đoàn kết dân chủ (MUD) - liên minh tập hợp gần 20 chính đảng và tổ chức cánh hữu đối lập.

Xuất thân trong một gia đình giàu có tại thủ đô Caracas, ông Capriles tự nhận là một chính khách mang tư tưởng “cấp tiến” và là người hết sức hâm mộ đường lối của cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ông từng là luật sư có tài và chính trị gia trẻ tuổi nổi tiếng ở Venezuela.

Ông H.Capriles bắt đầu tham gia chính trường vào năm 1998 và một năm sau, được bầu là nghị sĩ khi mới 25 tuổi. Trên cương vị này, ông Capriles nhanh chóng trở thành vị chủ tịch trẻ nhất của Hạ viện và tiếp đó là Phó Chủ tịch Thượng viện Venezuela.

Từ năm 2000 - 2008, Capriles lần lượt giữ chức Quận trưởng quận Baruta và Thống đốc bang Miranda cho đến khi được chỉ định là ứng cử viên chính thức của Liên minh đối lập Khối Đoàn kết Dân chủ (MUD) trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela năm 2012.

Ông H.Capriles cũng từng thất bại trước cố Tổng thống H.Chavez trong cuộc bầu cử tháng 10/2012. Trong cuộc tranh cử lần trước, ứng cử viên đối lập này tuyên bố, nếu đắc cử, ông sẽ xây dựng một mô hình phát triển kiểu Brazil tại Venezuela. Theo đó, khu vực công và tư cùng hợp tác phát triển, trong khi Nhà nước đóng vai trò gây dựng lòng tin và tôn trọng mọi quy định. Về đối ngoại, ứng cử viên này nhấn mạnh theo đuổi chính sách mở cửa và hội nhập trên mọi lĩnh vực.

Trong cuộc tranh cử lần này, ông Capriles tuyên bố hướng trọng tâm của chiến dịch vận động bầu cử kéo dài 1 tháng vào những vấn đề thường nhật đang gây khó khăn cho người dân Venezuela, từ tình trạng cắt điện tới tình hình tội phạm và tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất thế giới.

Các chính trị gia nhìn nhận, hiện mô hình kinh tế và hệ thống xã hội kiểu Brazil mà ông H.Capriles đang sử dụng để lôi kéo cử tri không phải là không được ủng hộ. Vì thế, ngoài sự ảnh hưởng lớn mạnh của cố Tổng thống H.Chavez, nếu thực sự muốn nổi trội, Tổng thống lâm thời N.Maduro cần phải vượt qua nhiều “chướng ngại vật” và thu hút sự quan tâm của cử tri bằng các chính sách thuyết phục được người dân Venezuela thời kỳ hậu H.Chavez./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.