Tạo đột phá trong tuyển quặng apatít

Giai đoạn 2010 - 2015, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đã tạo đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực tuyển khoáng, góp phần tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ XX, đó là: “Đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao”.

Ba chiến lược lớn

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, tập thể lãnh đạo, người lao động trong toàn Công ty đều nhận thức rõ: Qua 55 năm khai thác, nguồn quặng apatít giàu ngày càng cạn kiệt, thậm chí trong một thời gian không lâu sẽ không còn, trong khi nguồn quặng nghèo ngày càng nhiều, không có phương án sử dụng, gây lãng phí. Theo đánh giá, trữ lượng quặng 2 nghèo và quặng 4 chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng quặng apatít hiện nay. Nguồn quặng nghèo này hầu như bỏ đi, không sử dụng, trong khi Công ty phải đầu tư lớn mua sắm thiết bị, tổ chức khai thác xuống sâu để lấy quặng 1 (quặng giàu) tại một số khai trường trước đây đã “đóng cửa”. Vì vậy, Công ty xác định, việc cần thiết, tất yếu và quyết định sống còn đối với Công ty là phải nâng cao năng lực tuyển và làm giàu quặng apatít. Ba chiến lược lớn trong giai đoạn 2010 - 2015 để tạo đột phá lĩnh vực tuyển khoáng đã được Công ty đầu tư thực hiện với những lộ trình và quyết tâm rất lớn.

Vận hành dây chuyển tuyển quặng tại Nhà máy Tuyển Cam Đường.

Một là, nâng cao hiệu quả tuyển nổi quặng 3 trong điều kiện tính khả tuyển và chất lượng quặng 3 tại các khai trường kém. Do đó, Công ty chỉ đạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng tuyển quặng, như sử dụng các loại thuốc tuyển mới, cải tiến chế độ tuyển hợp lý; tăng cường thí nghiệm, đánh giá để xác định chỉ tiêu công nghệ và thông số tuyển.

Hai là, đầu tư xây dựng mới nhà máy tuyển, đồng thời phát huy tối đa công suất các nhà máy tuyển hiện có, đảm bảo đáp ứng tối đa nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân bón cao cấp trong nước.

Ba là, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ tuyển quặng 2 nghèo và quặng 4 khu vực Mỏ Cóc, tiến tới sản xuất bán công nghiệp và công nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu công nghệ thuốc tuyển để tuyển hai loại quặng này.

Gặt hái thành công

Với quyết tâm cao và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đã gặt hái được thành công vượt trên sự mong đợi. Điều đáng nói, những thành công này được chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư vùng mỏ apatít.

Qua phối hợp với các đối tác nước ngoài, Công ty đã nghiên cứu, tìm ra các giải pháp công nghệ để tăng tỷ lệ thực thu P2O5 sau tuyển từ 63% lên 70%. Cụ thể, tỷ lệ thực thu P2O5 sau tuyển của Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng đạt 70%, trong khi theo thiết kế của Liên Xô, tỷ lệ thực thu chỉ đạt 62,9%; tỷ lệ thực thu P2O5 của Nhà máy Tuyển Cam Đường đạt cao hơn, trên 80%. Qua đó, tận thu được nhiều hơn nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả tuyển quặng, tránh lãng phí.

Đặc biệt, Công ty đã phối hợp nghiên cứu và sử dụng nhiều loại thuốc tuyển thế hệ mới, cho phép sử dụng quặng 3 nghèo trung hòa với quặng 3 giàu để làm nguyên liệu tuyển. Nhờ giải pháp này mà quặng 3 nghèo trước đây hoàn toàn không sử dụng được, hiện đã được tuyển, cho ra sản phẩm quặng đạt chất lượng.

Điều đáng nói, trước đây, để sót quặng trong quá trình tuyển vẫn xảy ra, gây lãng phí nguồn quặng. Tuy nhiên, với giải pháp công nghệ tự động hóa, nâng cao khả năng nghiền quặng đầu vào và năng lực tuyển lại, nên quặng 3 cứng đã được tận thu triệt để, cơ bản tỷ lệ sót quặng không nhiều.

Song song với nâng cao tính khả tuyển, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đặc biệt quan tâm tăng năng lực sản xuất quặng tuyển. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy Tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm, năm 2015 đã đạt gần 100% công suất thiết kế; nâng công suất Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng đạt 900.000 tấn/năm; Nhà máy Tuyển Cam Đường có công suất 120.000 tấn/năm, hiện đã vượt công suất thiết kế, mỗi năm sản xuất 140.000 tấn. Giai đoạn 2010 - 2015, Công ty tăng năng lực sản xuất quặng tuyển gần 1 triệu tấn lên 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 50% tổng sản lượng quặng apatít.

Thành công không chỉ bằng những con số, mà còn là những thành quả khoa học, công nghệ được làm nên từ trí tuệ, bản lĩnh của cán bộ, kỹ sư và người lao động mỏ apatít. Đó là, Công ty đã phối hợp với chuyên gia Thụy Điển nghiên cứu, tìm ra thuốc tuyển quặng 2 nghèo ở quy mô công nghiệp và quặng 4 ở phòng thí nghiệm. Đây là thành quả mang tính chất quyết định đối với sự phát triển của ngành tuyển khoáng apatít. Qua đây, đội ngũ cán bộ, kỹ sư từ phòng thí nghiệm đến thực tế sản xuất được thử thách, nâng cao trình độ, làm chủ khoa học, công nghệ, điều đó lý giải cho đánh giá của các chuyên gia nước ngoài rằng, Công ty đang sở hữu một đội ngũ cán bộ, kỹ sư tuyển quặng tương đối mạnh. Việc xây dựng thành công nhà máy tuyển nổi fenspat Phú Thọ là một trong những minh chứng rõ nét cho đánh giá trên.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhu cầu quặng tuyển sẽ tăng nhanh, dự kiến chạm tới con số 2 triệu tấn. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ Công ty Apatít Việt Nam lần thứ XXI xác định mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Công ty có quy mô sản xuất lớn trên cơ sở đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững; đáp ứng nguyên liệu quặng apatít cho các nhà máy chế biến trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao; xứng đáng là một công ty mạnh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và của tỉnh Lào Cai”. Để thực hiện mục tiêu này, việc nâng cao năng lực tuyển khoáng tiếp tục được Đảng bộ và Công ty quan tâm đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Trọng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn tới, Công ty tiếp tục hoàn thiện công nghệ tuyển quặng 3, đặc biệt là quặng 3 nghèo, đồng thời mở rộng Nhà máy Tuyển Bắc Nhạc Sơn, nâng công suất Nhà máy Tuyển Cam Đường; triển khai xây dựng nhà máy tuyển quặng 2 nghèo và quặng 4; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép khai thác quặng apatít để tận thu tối đa nguồn nguyên liệu, phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành tuyển khoáng apatít./.

 

Theo Thanh Nam/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.