ASEAN 2015: “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”

Ma-lai-xia sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại hai địa điểm: Cua-la Lăm-pơ và Lang-ca-uy (Ma-lai-xia) từ 26 - 27/4/2015. Trước Hội nghị Cấp cao sẽ có các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng (Ngoại giao và Kinh tế) vào ngày 26/4/2015 và cấp Quan chức cao cấp (SOM và SEOM) vào ngày 25/4/2015.

ASEAN 2015: “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta,Tầm nhìn của chúng ta”


Tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 có Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
 
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, tại Cua-la Lăm-pơ, sẽ diễn ra các hoạt động chính thức như: Lễ khai mạc, Phiên họp toàn thể; Lãnh đạo cấp cao gặp Đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), Đại diện các tổ chức nhân dân, xã hội (CSOs) và Đại diện Thanh niên ASEAN. Tại Lang-ca-uy sẽ bao gồm các hoạt động: Phiên họp hẹp và Phiên bế mạc.
 
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, các Lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối làm việc; Quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; Vai trò trung tâm của ASEAN; Các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý; Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.
 
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, ngoài Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị theo thông lệ, dự kiến các nhà Lãnh đạo sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Cua-la Lăm-pơ về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Lang-ca-uy về Phong trào ôn hòa toàn cầu; Tuyên bố Cua-la Lăm-pơ về thể chế hóa sự tự cường của ASEAN, của các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.
 
Ma-lai-xia đã xác định chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2015 là: “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta” và xác định 8 nội dung ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2015, bao gồm: Chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào 31/12/2015; Hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; Tăng cường thể chế ASEAN; Đưa người dân ASEAN xích lại gần nhau hơn; Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; Thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; Tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN.
 
Dự thảo Báo cáo của Tổng thư ký ASEAN sẽ trình tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 có một số nội dung chính bao gồm:
 
ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cấp khu vực và quốc gia nhằm đảm bảo hình thành Cộng đồng ASEAN đúng thời hạn vào cuối năm 2015; tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015. ASEAN đã triển khai gần 93% dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng (2009  -2015). ASEAN cũng đang đẩy mạnh triển khai các dòng hành động còn lại ở cả cấp quốc gia và khu vực để bảo đảm hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 đúng thời hạn (31/12/2015).
 
ASEAN tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua 2 khuôn khổ chính là Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). ASEAN đã triển khai được 40% Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) gồm các kết quả cụ thể: Nâng cấp Mạng đường bộ ASEAN, đưa hệ thống Internet băng thông rộng vào các trường học ASEAN, hoàn tất 02 dự án kết nối lưới điện ASEAN, thống nhất kế hoạch xây dựng thị trường vận tải biển thống nhất, triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN... Trong khuôn khổ Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), 285 dự án đã được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực (phát triển hạ tầng “mềm”); các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. IAI đã được triển khai gắn kết với các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê-công nhằm tạo sự đồng bộ và bổ sung lẫn nhau.
 
ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn khi ASEAN đi vào Cộng đồng cũng như giai đoạn phát triển cao hơn sau đó.
 
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác đối thoại. Trong khuôn khổ ASEAN+1, bên cạnh các đối tác chiến lược đã có là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, gần đây, ASEAN đã nhất trí nâng quan hệ ASEAN -Úc lên quan hệ đối tác chiến lược; hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với EU; đang xem xét đề xuất của Mỹ và Niu Di-lân nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. ASEAN tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong các tiến trình, khuôn khổ ở khu vực như: ASEAN+3, ARF, ADMM+, EAMF, EAS.
 
ASEAN đã và đang nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, thông qua tăng cường liên kết, đoàn kết và thống nhất nội khối; đề ra cách thức và cơ chế để kịp thời xử lý những thách thức lớn nảy sinh ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công cụ và diễn đàn khu vực hiện có của ASEAN để thu hút sự tham gia tích cực, đóng góp xây dựng của các nước đối tác vì nhu cầu an ninh và phát triển của ASEAN.
 
ASEAN tiếp tục duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông, đề cao sự cần thiết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực hiện kiềm chế, không gây phức tạp tình hình, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là Điều 5 và sớm đạt được COC. ASEAN nhất trí thúc đẩy cùng Trung Quốc tăng tần suất trao đổi về thực hiện DOC và xây dựng COC.
 
Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN trong tương lai, các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao 25 (11/2014) đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; giao cho các Bộ trưởng và Quan chức cao cấp xây dựng văn kiện Tầm nhìn. ASEAN đã nhất trí về “gói văn kiện” sẽ trình Cấp cao ASEAN-27 (11/2015) thông qua; đang tích cực xây dựng Tầm nhìn và các Kế hoạch tổng thể về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Tầm nhìn ASEAN sau 2015 sẽ là văn kiện rất quan trọng, đề ra các mục tiêu, nguyên tắc, cách thức và biện pháp đưa liên kết ASEAN lên mức độ cao hơn và sâu rộng hơn trong 10 năm tới./.
Theo Mạnh Hùng/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.