Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang đi đúng hướng

Chiều 26/3 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong quý I năm 2015.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo kế hoạch, năm nay cả nước cần phải hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước. Tất cả các doanh nghiệp này đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó trên 200 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp. Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cả nước đã thoái vốn được gần 5.000 tỷ đồng nhưng tổng thu về đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 45% tổng thu từ thoái vốn. Đáng chú ý là số doanh nghiệp thực hiện đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn qua 2 Sở Giao dịch chứng khoán trong năm 2014 cao gấp 1,4 lần so với cả 3 năm trước.

Đến nay đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Thủ tướng đã phê duyệt 19 phương án, trong đó bổ sung 106 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015 và 109 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế cũng đã đề xuất hướng xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn Nhà nước; xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn; giá trị tiềm năng, tài sản đã hết khấu hao; định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần; xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động… cũng như quy trình thẩm định sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu nền kinh tế phải tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ với mục tiêu nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là một trong ba lĩnh vực trọng tâm. Thủ tướng đánh giá quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang đi đúng hướng, tích cực, nhất là cổ phần hóa đúng kế hoạch và bước đầu các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng đã thu về gần 7.000 tỷ đồng…

Nhìn chung các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, sau thoái vốn đều tăng cả về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động và tổng tài sản, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tài sản hiện có, thậm chí một số doanh nghiệp còn thua lỗ; năng suất lao động trong doanh nghiệp còn thấp; nguồn vốn cổ phần hóa thu về còn chậm, doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm chi phối còn nhiều; một số quy định, hướng dẫn ban hành còn chưa kịp thời…

Cùng với khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát năm nay phải hoàn thành tái cơ cấu 289 doanh nghiệp theo kế hoạch, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành cao hơn, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra sai sót hay tình trạng bán tràn lan, gắn với tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách cơ bản đã đầy đủ và phù hợp, vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm thực thi, từng Bộ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương phải tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nào đã có Ban chỉ đạo thì phải khẩn trương tiến hành xác định giá trị, công bố và tiến hành cổ phần hóa gắn với đẩy mạnh niêm yết trên thị trường chứng khoán; doanh nghiệp nào cổ phần hóa rồi nhưng chưa đạt tỷ lệ như quy định thì tiếp tục bán cổ phần, đồng thời tiếp tục rà soát các doanh nghiệp không cần Nhà nước chi phối để tiếp tục bán. Thủ tướng lưu ý rà soát, bổ sung danh mục doanh nghiệp Nhà nước cần tiếp tục cổ phần hóa theo 2 loại, Nhà nước không cần nắm giữ và giảm tỷ lệ doanh nghiệp Nhà nước phải nắm giữ chi phối.

Đối với sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp theo nghị định của Chính phủ, đến nay mới có 3 địa phương trình phương án là quá chậm; 16 triệu ha mà các nông lâm trường đang nắm giữ cần phải sớm có phương án sử dụng hiệu quả nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, đồng thời chủ trì họp với các bộ, ngành liên quan để có biện pháp giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng như sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp./.

Nguyễn Hoàng/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...