Giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc

Vừa đến đầu thôn Bản Mạc, xã Trịnh Tường (Bát Xát), chúng tôi đã nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Nhịp điệu vui tai ấy cuốn hút và đưa chúng tôi tới nhà ông Hù Văn Vủi, thành viên của đội nhạc, đội văn nghệ của thôn. Bên trong nhà, có khoảng chục thanh niên nam, nữ đang ngồi quây quần bên ông Vủi nghe ông chỉ bảo cách thổi kèn, đánh trống, chiêng và sử dụng chũm chọe, tiếng cười nói rộn vui. 
Ông Vùi tâm huyết truyền dạy kinh nghiệm cho thanh niên trong xã.

Trong đời sống văn hóa của người Giáy ở Trịnh Tường, đội nhạc vô cùng quan trọng. Những khi gia đình nào trong bản có việc cưới, việc tang hoặc lễ hội của bản đều không thể vắng mặt đội nhạc. Các bài nhạc sẽ nói thay lời thành kính, tâm nguyện của cả thôn tới các vị thần trong ngày lễ, tết. Trong ngày cưới của đôi bạn trẻ, đội nhạc sẽ có mặt cùng bước chân đầu tiên của chú rể khi sang nhà bố mẹ vợ hỏi vợ, cho đến ngày cô dâu về đến nhà chồng. Những bài nhạc như trên đường đón dâu, chào tổ tiên, chào bản làng, chúc phúc hai người là không thể thiếu. Đội nhạc thường có 4 người sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau như kèn, trống, chiêng và chũm chọe (chũm chọe là âm chủ đạo). Trong các loại nhạc cụ, kèn là nhạc cụ khó học nhất. Để có thể thổi tốt tất cả 36 bài kèn, thường phải học trong vòng 5 - 6 năm. Trò chuyện cùng ông Vủi, chúng tôi được biết, thời gian học kéo dài cũng bởi vì chỉ vào dịp cuối năm, khi mọi việc đã tạm hoàn tất để đón tết thì cũng là lúc ông và những người trong đội văn nghệ của thôn mới có thời gian để bắt đầu tập trung truyền dạy tận tình cách sử dụng các loại nhạc cụ cho lớp thanh niên.

Điều đặc biệt của đội nhạc thôn là đi phục vụ làng, phục vụ bà con trong thôn, chỉ nhận công là món quà tinh thần, niềm vui và lời cảm ơn chân thành. Đôi khi đội nhận “lý” chum rượu hay vài cân gạo, cái bánh giày. Ông Vủi vui vẻ cho biết: Niềm say mê và yêu thích âm nhạc dân tộc từ khi còn nhỏ của chúng tôi đều được cha truyền lại. Bản thân tôi cũng như mọi người luôn đau đáu một niềm muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, hướng cho con cháu thế hệ sau giữ lại cái hồn của dân tộc.

Em Hồ Văn Được (sinh năm 1997) cùng với những người bạn của mình là Cù Văn Ngọc, Hoàng Minh Tăng ở thôn Phố Mới 2 cũng đến xin ông Vủi cho học cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Các em đã bắt đầu thổi được những bài khèn, đánh được những bài chiêng, trống, chũm chọe cơ bản. Em Được chia sẻ rằng: Em đã học được 2 đợt, qua 2 năm rồi, học kèn rất khó, nên cần phải kiên trì lắm, luyện tập thường xuyên. Em thấy những bài nhạc này rất hay và muốn góp chút công sức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.  

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Thế hệ trẻ ở địa phương đã có ý thức muốn học hỏi và biết yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc, đây là tín hiệu vui của văn hóa truyền thống. Những vốn quý trong văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Trịnh Tường sẽ được giữ gìn và lưu truyền, không bị mai một.

Hiện nay, không chỉ riêng ở Trịnh Tường mà việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được các địa phương hết sức coi trọng. Ngành văn hóa đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả của việc làm trên, như xây dựng các đội văn nghệ ở các thôn, bản với mục đích đưa văn hóa, văn nghệ truyền thống trở thành nhu cầu tự thân của các địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 549 đội văn nghệ xung kích với hơn 2.745 người, như: Câu lạc bộ Khắp Nôm Tày (Văn Bàn); đội văn nghệ dân gian phục vụ du lịch ở các bản Cát Cát, Hàm Rồng, Bản Hồ, Tả Van (Sa Pa), Trung Đô, Tà Chải (Bắc Hà); các câu lạc bộ khiêu vũ, đội văn nghệ tổ dân phố (thành phố Lào Cai)...

Ông Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết thêm: Việc giữ gìn và phát huy văn hóa, văn nghệ truyền thống không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền bằng lời mà còn được Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức bằng các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng. Bên cạnh đó, trong hoạt động tuyên truyền lưu động, Trung tâm cũng đều phối hợp chặt chẽ với những địa phương mình đến, sử dụng lồng ghép những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang tính truyền thống của đồng bào địa phương. Tại các buổi biểu diễn văn nghệ, không chỉ tuyên truyền đường lối của Đảng tới người dân mà âm nhạc dân tộc, tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán tốt đẹp của các tộc người cũng đều được tôn vinh./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lễ khai mạc Festival sông Hồng sẽ tổ chức vào năm 2025

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản 5348 /UBND-VX ngày 25/9/2024 về việc điều chỉnh các hoạt động trong khuôn khổ Festival sông Hồng năm 2024 và các hoạt động liên quan.

Người có uy tín góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thời gian qua, người có uy tín tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) đã trở thành những nòng cốt, là “cầu nối” trong bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

[Ảnh] Ngắm nhìn dinh Hoàng A Tưởng trước ngày hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà) đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc còn lại và phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024.

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.