Kinh tế thế giới 2015: Nguy cơ địa chính trị bao trùm

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ) đã bế mạc cuối tuần qua với cảnh báo còn rất nhiều việc cần làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45.
Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45.

Có thể thấy được sức nóng của WEF lần thứ 45 này thông qua số lượng 2.500 đại biểu, từ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến đại diện doanh nghiệp, giới trí thức… nhằm tìm kiếm biện pháp tháo gỡ thách thức hiện nay và đưa ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới. WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái. Cuộc khủng hoảng ở Châu Âu đã dịu bớt, nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm. Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, 6 năm sau cuộc đại khủng hoảng, "bức tranh" kinh tế thế giới dường như vẫn thiếu những gam màu sáng để xua đi không khí ảm đạm.

Mặc dù được dự báo sẽ tiếp đà phục hồi, song kinh tế thế giới năm 2015 chưa thể khởi sắc. Ngay trước thềm WEF, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016; đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm bất chấp giá dầu sụt giảm và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ. Theo nhận định của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,5% trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 10-2014 do thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém, đặc biệt ở Eurozone và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống.

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu tụt dốc và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp (thậm chí tiến hành nới lỏng định lượng) sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ không đồng bộ như những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra WEF cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi. Chưa kể đến tác động phụ không mong muốn do các chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, nguy cơ được đề cập nhiều nhất và có khả năng tác động lớn nhất đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu là các rủi ro địa chính trị và an ninh. Không phải ngẫu nhiên, năm nay WEF lấy chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới". Trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự kết nối, những đổi thay nhanh chóng về môi trường địa chính trị ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Điều này chiếm tới 3 trong số 10 rủi ro hàng đầu có thể tác động tới quá trình phục hồi toàn cầu.

Trong khi đó, năm 2015, thế giới có khả năng tiếp tục phải chứng kiến những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khủng hoảng tại Ukraine ngày một leo thang khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và "cuộc chiến" giá dầu đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có những ràng buộc về lợi ích với Nga lao đao. Một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mátxcơva có thể khiến các ngân hàng phương Tây đau đầu. Hiện tại, số nợ của Nga tại các ngân hàng thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong đó, các ngân hàng Pháp đã cho vay hơn 40 tỷ USD, Italia khoảng 7 tỷ USD, các ngân hàng Mỹ là hơn 25 tỷ USD.

Trước những thách thức đối với mục tiêu ổn định toàn cầu, thế giới cần một sự liên kết chung nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể. Tuy nhiên, những gì có thể mong đợi tại hội nghị lần này chỉ là sự trao đổi quan điểm giữa các nhà lãnh đạo với hy vọng sẽ đưa ra được những hành động cụ thể trong thời gian tới./.
Theo hanoimoi.com.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.