Bước tiến mới trong hoạt động xuất khẩu

Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng 11 tháng năm 2014, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, với con số 2,06 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn chung, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh nhờ sự năng động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13%.

Những kết quả tích cực

Trong khi lợi nhuận từ xuất khẩu hàng hóa đang dần dần hồi phục thì kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng sản xuất truyền thống đòi hỏi nhiều nhân công như may mặc, giày dép và đồ nội thất tiếp tục duy trì tăng trưởng nhanh. Bổ sung đáng lưu ý vào ngành hàng xuất khẩu là các sản phẩm công nghệ cao và có giá trị cao hơn, như điện thoại di động và linh kiện, máy tính, đồ điện tử và phụ kiện, linh kiện phụ tùng ô tô. Đây đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.


 Ảnh minh hoạ (Nguồn: sonla.gov.vn)

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh cũng phản ánh một phần kết quả xuất khẩu khả quan trong những tháng gần đây của các doanh nghiệp trong nước. Kết quả hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục được cải thiện, trong quý III tăng thêm 12,7% so với cùng kỳ năm trước và 13% nếu tính đến 11 tháng năm 2014.

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá đa dạng xét theo khu vực địa lý. Trong số các đối tác thương mại 11 tháng năm 2014, Hoa Kỳ vẫn là đối tác lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 26,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp sau là Liên minh châu Âu, đạt 24,8 tỷ USD, tăng 11,4%, Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD, tăng 13,1% và Nhật Bản đạt 13,6 tỷ USD, tăng 9,9%. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn khá tập trung. 10 đối tác thương mại hàng đầu chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhâp khẩu của Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước tính kim ngạch đạt 39,9 tỷ USD, tăng 18,9%  so với cùng kỳ năm 2013. Thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc nhìn chung không chịu nhiều tác động từ những bất đồng lãnh thổ gần đây.

Thương mại dịch vụ tuy ở mức còn nhỏ nhưng có tiềm năng. Hiện tại, thương mại dịch vụ mới chỉ chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong kết quả ngoại thương của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu dịch vụ thương mại chiếm khoảng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; và nhập khẩu dịch vụ thương mại chiếm 8,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Xuất khẩu dịch vụ liên quan tới du lịch chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong khi vận tải và vận chuyển hàng hóa nhập khẩu chiếm 62% giá trị nhập khẩu dịch vụ. Việt Nam tiếp đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2013 và 11 tháng của năm 2014 ước tính đã đạt 7,217 triệu lượt người, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, du khách từ Trung Quốc, Hàn  Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga chiếm khoảng 60% tổng số du khách nước ngoài tới Việt Nam. Việt Nam có khả năng thu hút thêm nhiều du khách do giàu tiềm năng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cần nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ. Nếu có thể làm được điều này, xuất khẩu dịch vụ có thể chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất khẩu

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may, da giày. Khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, linh kiện ô tô, dệt may, da giày và công nghệ cao. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các ngành hàng này. Tăng cường các mối liên kết để tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu và bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích gắn kết việc phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong cả nước để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; liên kết sản xuất, chế biến tại chỗ phục vụ xuất khẩu.

Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường phân phối hàng hóa Việt Nam; rà soát các cơ chế, chính sách và cam kết quốc tế để bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình thực hiện các cam kết. Tiến hành rà soát, đàm phán, ký mới và bổ sung các hiệp định đã ký về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, ổn định cho hàng hóa xuất khẩu. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Đổi mới mô hình tổ chức, tăng cường hoạt động của các thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Khuyến khích hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tổ chức phân phối hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối tại nước nhập khẩu.

Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Rà soát, điều chỉnh các chính sách nhằm thu hút mạnh đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu; tạo sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối hài hòa giữa yêu cầu xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu.

Rà soát đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, luồng lạch, kho tàng bến bãi tại các cảng biển và các địa điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Xây dựng chính sách phát triển các dịch vụ logistics; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics và năng lực thực hiện các dịch vụ này.

Đổi mới hệ thống đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đào tạo gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển của từng ngành hàng và có chất lượng, tay nghề cao, trước hết là đối với sản xuất hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, điện tử, cơ khí. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu định hướng của cộng đồng doanh nghiệp. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu.

Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng. Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế, hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu trong nước. Triển khai áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh và khai thác tiềm năng tại các thị trường mới. Đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu…/.
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...