Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015

Mục tiêu tổng quát trong năm 2015 sẽ là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, chiều 10/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp. 

Với đa số các đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. 

Một phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội.

Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. 

Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế. 

Theo đó, năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30% - 32% GDP; Tỷ hộ nghèo giảm 1,7% đến 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động… 

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt. 

Rà soát, bổ sung các chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam và tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng. 

Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... 

Với đa số các đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng chưa tính 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 5% GDP. 

Cũng trong chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). 

Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội; cho rằng dự thảo luật đã đưa ra các giải pháp mạnh mẽ tạo thuân lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Thái Bình băn khoăn làm thế nào để dự luật này có sự kết nối hài hòa, nhất quán với Luật đầu tư và các luật chuyên ngành khác để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp: “Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn quy định, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại giải thể và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật đó. Nhưng Luật Đầu tư lại quy định, trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác thì thực hiện theo quy định của luật này, trừ luật chứng khoán. Luật tổ chức tín dụng, luật kinh doanh bảo hiểm và luật dầu khí. Theo tôi quy định như vậy tại 2 dự thảo luật là chưa hợp lý, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Quy định tại Luật đầu tư như vậy phải được đặt trong luật doanh nghiệp” . 

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm nhấn quan trọng trong dự thảo luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là đã chuyển được chế định về ngành nghề cấm kinh doanh và đầu tư và ngành nghề đầu tư có điều kiện từ Luật doanh nghiệp sang luật đầu tư để đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh để những nội dung này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà tất cả các chủ thể kinh doanh khác. 

Đại biểu Lê Đức Lâm, Đoàn Bình Thuận cho rằng: “Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Theo điều 28 của dự thảo luật có nêu doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đủ các điều kiện ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Nếu không đưa ra các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh thì hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Tôi  đề nghị dự thảo luật cần bổ sung danh mục này để định hướng cho hoạt động doanh nghiệp”. 

Ủng hộ tinh thần đổi mới tư duy và cải cách hành chính trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong dự thảo luật, song một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi thành lập vì trong dự thảo luật không có thấy một chế tài nào ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp. 

Do vậy, tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để vi phạm, nhất là các trường hợp cứ sau 1 dự án lại thành lập mới doanh nghiệp để trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, gây nên nhiều hậu quả xấu cho xã hội. 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Trên thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp thành lập ra để mua bán hóa đơn, trốn thuế, lậu thuế, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản nhà nước thông qua hình thức hoàn thuế giá trị gia tăng. Tại thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các loại hình karaoke, quán bar, khách sạn có vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử phạt hành chính nhưng ngay sau đó, họ giải thể doanh nghiệp hoặc trốn tránh. Sau đó 1 tuần, tại địa điểm đó lại có 1 doanh nghiệp tên khác kinh doanh như cũ mà thực ra vẫn 1 chủ cũ mà thôi. Với các tên doanh nghiệp khác nhau nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được và cũng không tìm ra chủ doanh nghiệp để thi hành quyết định xử phạt hành chính”. 

Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; con dấu doanh nghiệp; vấn đề doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vấn đề nhóm công ty./.

Theo vov.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...