Dịch bệnh Ebola – vết dầu loang ngày càng khó kiểm soát

Dịch bệnh Ebola khiến gần 4.500 người thiệt mạng là “trường hợp y tế khẩn cấp nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây” đối với không chỉ nhiều quốc gia châu Phi mà còn khiến cả cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ lây lan tại chính đất nước mình, đồng thời kêu gọi áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống quyết liệt hơn nữa.
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/10 cho biết, tính đến nay đã có 4.447 người chết vì bị nhiễm virus Ebola. Các nạn nhân tập trung chủ yếu ở các quốc gia khu vực Tây Phi như Guinea, Sierra Leone, Liberia. Phó Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward thậm chí còn cảnh báo số ca lây nhiễm Ebola ở Tây Phi có thể sẽ tăng từ 8.900 người lên mức trên 9.000 người trong tuần này, bất chấp nỗ lực dập dịch của các nước sở tại cũng như cộng đồng quốc tế. Theo ước tính của WHO, từ nay cho đến tuần đầu tiên của tháng 12/2014, mỗi tuần sẽ có thêm 5.000 – 10.000 ca mới nhiễm Ebola.



Một trung tâm điều trị Ebola tại Liberia. (Ảnh: Reuters)

 
Cuộc chiến chống Ebola là một thất bại vào thời điểm hiện tại

Trong tuyên bố được đưa ra mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết cộng đồng quốc tế đến nay đã không thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh Ebola vốn đặc biệt tác động tới 3 quốc gia Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Các thành viên của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế với dịch Ebola cho đến nay đã thất bại trong việc đáp ứng đầy đủ với quy mô của dịch bệnh và ảnh hưởng của nó. "Về vấn đề này, họ kêu gọi tất cả các nước thành viên, các tổ chức đa phương và các đối tác song phương thúc đẩy và mở rộng đáng kể việc cung cấp các nguồn lực vật chất và hỗ trợ tài chính" như các phòng thí nghiệm di động, bệnh viện dã chiến, nhân viên có tay nghề cao, và các trang thiết bị bảo vệ. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi "các nước thành viên và tất cả các bên liên quan cung cấp các phương tiện hậu cần và hàng không cũng như các khả năng vận tải và xây dựng cho cuộc chiến chống Ebola".

Ngày 14/10, người đứng đầu Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống lại Ebola (MINUAUCE) Anthony Banbury cũng đã tuyên bố nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không ngăn chặn Ebola, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống chưa từng có mà chúng ta không có kế hoạch dự phòng". "Thời gian càng trôi qua, chúng ta càng cần tiền và tăng cường quản lý cuộc khủng hoảng hiệu quả hơn nữa" – ông nêu rõ.

Trong khi đó, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề chính trị Taye Brook Zerihoun cũng lưu ý rằng chính phủ của 3 quốc gia Tây Phi bị tác động nặng nề nhất bởi Ebola đã thiết lập lệnh giới nghiêm, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt các hạn chế về sự di chuyển của người dân.

Liên quan đến những hệ quả của Ebola đối với nền kinh tế quốc gia, ông Zerihoun nhấn mạnh rằng việc cách ly 3 nước bị ảnh hưởng đã có một tác động nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng của họ và của tiểu vùng. "Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nếu dịch bệnh không bị loại trừ một cách nhanh chóng, tổng sản phẩm quốc nội trong 3 quốc gia và khu vực sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực này" – ông cảnh báo.

Bên cạnh đó, chuyên gia của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng trong một vài tháng gần đây, dịch bệnh nguy hiểm này càng làm trầm trọng hơn những thách thức chính về hòa bình và an ninh mà Tây Phi phải đối mặt.

Phương Tây nâng cao cảnh giác

Trong bối cảnh dịch bệnh Ebola đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Tây Phi thì các nhà chức trách y tế Mỹ ngày 15/10 cho biết, bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, bang Texas lại vừa phát hiện thêm một nhân viên y tế nữa có phản ứng dương tính với virus Ebola. Đây là nhân viên y tế thứ hai ở bệnh viện này bị nhiễm loại virus chết người Ebola, sau trường hợp đầu tiên của nữ y tá gốc Việt Nina Phạm.

Sự hoảng loạn vì vậy lại có dấu hiệu bùng lên khi nhà chức trách không chỉ của riêng nước Mỹ mà của nhiều quốc gia phương Tây đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ tất cả các chuyến đi trong 2 ngày 15 – 16/10 để tập trung vào công tác đối phó chống lại nguy cơ lây lan của dịch bệnh Ebola trên lãnh thổ nước này, đặc biệt sau khi nhân viên y tế thứ hai ở bang Texas v���a bị chẩn đoán dương tính với virus Ebola. Ông Obama cũng hứa hẹn một phản ứng "tích cực hơn nữa" để tránh các trường hợp lây nhiễm mới.

Cuộc tranh luận đã gia tăng ở Mỹ khi chính quyền tiết lộ rằng người thứ hai bị nhiễm cách đây 2 ngày đã đáp chuyến bay số 1143 của hãng hàng không Frontier Airlines từ thành phố Dallas, bang Texas đến thành phố Cleveland, bang Ohio. Các nhà chức trách y tế Mỹ ngày 15/10 thông báo đang khẩn trương tìm kiếm, xác định danh tính và phỏng vấn 132 hành khách cùng chuyến bay với nhân viên y tế. Trường hợp lây nhiễm thứ hai này là "rất đáng lo ngại" – các nhà chức trách y tế nước này thừa nhận, đồng thời đang "chuẩn bị cho khả năng xảy ra các trường hợp nhiễm mới trong những ngày tới".

Ngày 16/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Marisol Touraine thông báo các cuộc kiểm tra hành khách đến sân bay Paris Roissy trên chuyến bay của Air France từ Conakry ở Guinea sẽ bắt đầu từ ngày 18/10 tới đây. "Sẽ có sự xuất hiện của các đội y tế tiến hành đo nhiệt độ của hành khách ngay trên cầu ra máy bay" – Bộ trưởng Marisol Touraine cho biết, đồng thời tuyên bố tăng cường kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay đến Conakry.

Tăng cường các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt

Ngay từ ngày 16/10, các biện pháp kiểm tra bổ sung sẽ được tiến hành trong 4 sân bay Mỹ: Sân bay Newark Liberty (gần New York), Chicago O'Hare, Atlanta Hartsfield và Dulles ở ngoại ô Washington. Tuần trước, sân bay quốc tế JFK của New York đã bắt đầu kiểm soát nhiều hơn đối với các hành khách từ 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Ebola (Liberia, Guinea, Sierra Leone).

Tại Quốc hội Mỹ, ngày 15/10, Chủ tịch Hạ viện và các quan chức Quốc hội khác đề nghị chính quyền Obama tạm đình chỉ thị thực của các cá nhân Liberia, Guinea và Sierra Leone cho đến khi tình trạng bùng nổ dịch bệnh nằm dưới sự kiểm soát.

Tại Pháp, Tổng thống François Hollande tuyên bố thành lập "một thiết bị kiểm soát các chuyến bay đến từ khu vực bị ảnh hưởng bởi virus". Maroc cũng đã thông báo khởi động một "kế hoạch quốc gia" để "ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola" tại đây.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka cũng nói rằng tất cả du khách đến sân bay Prague từ các khu vực bị ảnh hưởng hiện phải trải qua kiểm tra nhiệt độ và điền vào các mẫu đơn y tế.

Tại Dubai, trường hợp nghi ngờ đầu tiên ở vùng Vịnh đã được phát hiện hôm 15/10. Hành khách đến từ Liberia qua Maroc đã được cách ly. Nhà chức trách Mexico và Nicaragua cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ dòng người di cư sang Mỹ để ngăn chặn nguy cơ dịch Ebola xuất hiện. Canada kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Tây Phi.

Tại châu Âu, chính phủ Tây Ban Nha cũng siết chặt các biện pháp kiểm tra và giám sát ở các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên bộ. Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria chịu trách nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng y tế này. Chính quyền Anh thông báo bắt đầu quét thân nhiệt các hành khách từ Tây Phi qua 2 sân bay chính ở London và tuyến đường sắt từ châu Âu.

UNICEF khuyến cáo rửa tay xà phòng có thể giúp ngăn chặn lây lan virus

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lại virus Ebola hiện đang diễn ra một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa các bệnh do virus.

Người đứng đầu chương trình vệ sinh dịch tễ, nước của UNICEF Sanjay Wijesekera cho biết: "Rửa tay với xà phòng là một trong những loại vaccin với giá rẻ nhất và hiệu quả nhất chống lại các bệnh do virus, hoặc là bệnh cúm theo mùa hay cảm lạnh thông thường".

"Các nhóm của chúng tôi trên lãnh thổ Sierra Leone, Liberia và Guinea nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay như một phần của một loạt các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola. Rửa tay không phải là một giải pháp kỳ diệu, nhưng nó là biện pháp bổ sung không đắt đỏ và đơn giản, sẵn có" – ông nói thêm.

Trong các quốc gia bị tác động bởi Ebola, UNICEF nâng cao nhận thức của người dân để chống lại các quan niệm sai lầm về căn bệnh này, vốn làm tăng nguy cơ lây lan. UNICEF cũng đã phân phối thiết bị bảo hộ như áo choàng, găng tay và thuốc tẩy cùng hàng triệu bánh xà phòng.

"Cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực của mình để ngăn chặn căn bệnh này" – Tiến sĩ Wijesekera nói. "Điều rất quan trọng là truyền đi các thông điệp về những biện pháp có thể được thực hiện ngay từ bây giờ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, song song với việc chờ đợi sự hỗ trợ đến từ bên ngoài"./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.