Eurozone có nguy cơ suy thoái cả năm 2013

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài trong suốt cả năm 2013 với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 12,2% (tương đương hơn 20 triệu người), cao hơn mức 11,4% trong năm 2012.
 
Ảnh minh hoạ.
Trong dự báo kinh tế mới nhất, công bố ngày 22/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo nói trên, đồng thời cho rằng sản lượng kinh tế của 17 nước thành viên Eurozone trong năm nay sẽ giảm 0,3%, sau khi đã giảm 0,6% trong năm 2012. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khu vực đang chìm ngập trong nợ công này sẽ có thêm hàng triệu người nữa bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ lập kỷ lục vào cuối năm nay.

Tăng trưởng kinh tế chỉ quay lại với lục địa già vào năm 2014, với mức tăng 1,4%. Điều đáng lo ngại theo EC là tình trạng thâm hụt ngân sách của một số nước thành viên vẫn tiếp tục ở mức cao, trong khi đó hệ thống ngân hàng của Cộng hòa Síp cần tới 8,86 tỷ Euro để phải tái cấp vốn. Còn nợ công của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, được dự báo chiếm tới 3,7% GDP trong năm 2013 và 3,9% GDP trong năm tiếp theo. Trước đó, Pháp cam kết sẽ nỗ lực đưa thâm hụt ngân sách về mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) và kỳ vọng rằng kết thúc năm 2013 thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 3,5%.

Tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng tiếp tục kéo dài tại nhiều nước thành viên khác, trong đó có Tây Ban Nha. Quốc gia dưới sự chèo lái của Thủ tướng Mariano Rajoy đã tránh được nguy cơ phá sản trong năm 2012, song mức thâm hụt ngân sách lên tới 10,2% và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong toàn bộ 27 nước thành viên EU chỉ có Ba Lan và Anh sẽ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong năm nay và 1,6% vào năm 2014, song Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's vừa quyết định hạ mức tín nhiệm của Anh từ AAA xuống AA1 vì cho rằng nền kinh tế nước này tiếp tục đạt mức tăng trưởng thấp trong thời gian tới, trong khi gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng.

Số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) công bố ngày 21/2 cũng cho thấy nợ công của Anh hiện đã lên tới gần 1.163 tỷ Bảng (khoảng 1.861 tỷ USD), tương đương với 73,8% GDP.

Việc bị hạ mức tín nhiệm xuống một bậc có nghĩa là Anh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc vay nợ trên các thị trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Anh bị tụt mức xếp hạng tín nhiệm AAA kể từ khi nước này bắt đầu được Moody's và Standard & Poor’s (S&P) xếp hạng tín nhiệm vào năm 1978.

Cho đến thời điểm này, chỉ còn 2 nền kinh tế lớn trên thế giới là Đức và Canada còn duy trì được mức xếp hạng tín nhiệm AAA. Trước đó, S&P đã lần lượt hạ mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu là Pháp từ AAA xuống AA+ vào tháng 8/2011 và tháng 1/2012.

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân khiến châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái một phần do các chính sách khắc khổ phản tác dụng. Mặc dù có thể giúp giảm phần nào thâm hụt ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, song những chính sách này dẫn tới tình trạng giảm phát, vốn là nhân tố làm trì trệ tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời còn làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế, dẫn đến kìm hãm khả năng giảm nợ của toàn Eurozone.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đã làm xói mòn lòng tin kinh doanh, khiến các công ty lưỡng lự trong việc mở rộng đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm mới. Thêm vào đó là những lo ngại xung quanh các cuộc thương lượng về thuế và chi tiêu ở Mỹ, cùng với những quan ngại về nhu cầu sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc.

Trước những dự báo ảm đạm về kinh tế Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định vẫn duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0,75%/năm. Về mặt lý thuyết, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể kích thích, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên Eurozone có thể dễ dàng vay mượn hơn để chi tiêu và đầu tư. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nghi ngờ tính hiệu quả chính sách này của ECB vì các gói kích cầu trước đây dưới dạng giảm lãi suất và hệ thống ngân hàng tung ra các khoản tín dụng ưu đãi đã không phát huy hiệu quả, khiến các doanh nghiệp phải miễn cưỡng vay tiền và chấp nhận rủi ro. Thêm vào đó, tại các nước đang gặp khó khăn tài chính, chi phí vay mượn vẫn khá cao bất chấp việc ECB áp dụng tỷ lệ lãi suất thấp./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.