Mùa Thu 1945: Sự ra đời một nước Việt Nam hiện đại

Cách mạng tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho sự phát triển của đất nước ta. Qua gần 7 thập kỷ, đến hôm nay, công cuộc phấn đấu của dân tộc Việt Nam vẫn hướng theo những mục tiêu đã được xác lập từ Mùa Thu ấy…
 
Cuộc cách mạng khai sinh nền dân chủ

Như một lẽ đương nhiên, nói tới Cách mạng tháng Tám 1945 là nói tới một nền độc lập dân tộc được khẳng định với bản Tuyên ngôn bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”. Nhưng với nền độc lập ấy chúng ta chỉ giành lại những giá trị vốn có từ ngàn năm và tiếp nối ý chí bất khuất của dân tộc qua ngàn đời đấu tranh chống xâm lăng bảo vệ nền tự chủ hay giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang, giành lại nền độc lập dân tộc. Những gì đã ghi chép trong những bộ quốc sử hay ghi nhớ trong tâm thức của con người Việt Nam đều đầy ắp những tên tuổi và chiến công của công cuộc giữ nước.

Lời Tuyên ngôn ở thế kỷ XX chỉ là sự khẳng định lại ý chí của lời thơ thần bất hủ ở thế kỷ XI:”Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”. Cũng như tổ tiên, để giành lại nền độc lập, dân tộc ta phải làm một cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 lật đổ ách thống trị của ngoại bang là phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Cách mạng tháng Tám 1945 còn được biểu hiện bằng một cuộc nổi dậy của toàn dân trên khắp dải đất Việt Nam vốn bị chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp cắt làm 3 kỳ. Cuộc cách mạng mang một ý nghĩa rất to lớn khi nền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam được phục hồi. Nền thống nhất ấy là di sản của tổ tiên qua bao đời mở mang và xây đắp.

Dưới chế độ thuộc địa, nước Việt Nam bị xẻ làm 3 xứ với những chế độ chính trị khác nhau (thuộc địa cho Nam Kỳ, bảo hộ cho Trung Kỳ và nửa bảo hộ cho Bắc Kỳ). Khôi phục và gìn giữ nền thống nhất quốc gia trở nên một sứ mạng thiêng liêng, một nguyên tắc không thể nhượng bộ của Nhà nước Việt Nam độc lập đã được đúc kết thành chân lý “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Nhưng để bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đó, dân tộc Việt Nam đã phải chấp nhận một cuộc chiến tranh dài 30 năm mới giành lại non sông trọn vẹn sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1975) rồi phải kiên cường đấu tranh hơn một thập kỷ tiếp sau mới thực sự vượt qua được những thử thách to lớn đối với sự nghiệp bảo toàn nền thống nhất và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thành quả thiêng liêng của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Nếu như phải tìm một đặc trưng tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, đặc trưng tạo nên sự khác biệt căn bản so với tất cả các thế kỷ trước đó của tiến trình ngàn năm phát triển (dựng nước và giữ nước) của dân tộc ta, thì đặc trưng ấy chỉ có thể là sự xác lập lần đầu tiên một nền Dân chủ bằng một sự lựa chọn chính thể của Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đánh đổ xiềng xích gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.

Cuộc cách mạng khẳng định “quyền con người”

Ai cũng biết, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam được mở đầu bằng hai đoạn trích từ hai bản tuyên ngôn bất hủ của Cách mạng Hoa Kỳ và Pháp. Cả hai đoạn trích đều nhắc đến “quyền con người”, nhưng dường như không đả động tới nền độc lập quốc gia. Hai đoạn trích nêu rõ:”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc” (Hoa Kỳ) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Pháp).

Trích những “lẽ phải không ai chối cãi được” ấy, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam không chỉ nhằm lên án chế độ phát xít - thực dân đã tước đoạt những quyền con người của nhân dân Việt Nam mà còn nhằm xác nhận rằng quyền của con người chính là nền tảng của quyền một dân tộc, điều mà Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn mình soạn thảo “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Archimèdes Patti, người đứng đầu cơ quan tình báo Hoa Kỳ OSS có mặt tại Hà Nội ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa, viết trong thiên hồi ức “Tại sao Việt Nam?” rằng khi đọc bản Tuyên ngôn của Việt Nam ông thấy có sự đảo vị trí của hai từ “tự do” và “quyền sống” so với nguyên bản của Tuyên ngôn Hoa Kỳ. Khi ông đem chuyện này nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trước Ngày Lễ Độc lập thì được trả lời rằng“không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”.

Đó là phép biện chứng trong nhận thức chính trị về quyền con người của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu của nền độc lập. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã từng nói như vậy trong phiên họp đầu tiên của Nội các độc lập và nhắc lại trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”.

Đặt quyền của con người lên trung tâm đời sống chính trị là đặc trưng của xã hội công dân, khác một cách căn bản với một xã hội thần dân lấy sự tuân phục Nhà nước đặt lên hàng đầu. Cho dù mới mẻ, nhưng Nhà nước Việt Nam mới được xây dựng trên nguyên lý “Nếu không có nhân dân thì Nhà nước không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối… Chính phủ hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc… Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”…

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), vị Chủ tịch nước bộc bạch “Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.

Cũng ngay trong phiên họp đầu tiên này, 1 trong 6 nhiệm vụ được vị Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam mới tròn 1 ngày tuổi được ấn định nhằm khẳng định tính chất của một Nhà nước hiện đại: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Và cũng trong bài phát biểu này, nhiệm vụ thứ 6 được khẳng định “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết”.

Trong một tình hình chính trị vô vàn khó khăn và phức tạp, chỉ 5 tháng sau ngày tuyên ngôn độc lập, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu đã được tiến hành. Ngày 2/3/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được triệu tập và Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam được ban bố.

Cuộc cách mạng mở ra công cuộc hội nhập với thế giới

Một nét đặc sắc của cuộc cách mạng này là nó gắn kết một cách tài tình mục tiêu giành độc lập của dân tộc Việt Nam với mục tiêu mang tính thời đại là đứng về phía Đồng minh giải phóng loài người khỏi chủ nghĩa phát xít, giành nền độc lập (trước khi chủ nghĩa thực dân Pháp kịp quay trở lại) và chấm dứt triệt để nền quân chủ từng tồn tại từ ngàn đời.

Sự có mặt từ rất sớm của lực lượng Đồng minh là những quân nhân Hoa Kỳ trong đơn vị OSS (tình báo chiến lược) bên cạnh lực lượng cách mạng Việt Nam tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, cùng với một cách ứng xử ngoại giao khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang lại cho Nhà nước Việt Nam độc lập vị thế là thành viên của Mặt trận chống phát xít trong lực lượng Đồng Minh chiến thắng mà còn muốn đất nước Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thế giới hiện đại hình thành trong và sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Đọc văn kiện dưới đây của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (ngày 22/10/1945) sẽ thấy rõ điều đó: “Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu trong Bản Hiến chương đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai”.

Điều đáng nói hơn nữa là bằng những chủ trương, chính sách rất cụ thể, tư tưởng hội nhập được thể hiện bằng một đường lối mở rộng cửa hợp tác với nguyên tắc “Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không muốn gây sự với ai”.

Trong một văn kiện gửi tới các nước lớn và các thành viên Liên hiệp quốc chỉ ít ngày trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng tất cả các sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận gia nhập mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân...”.

Như vậy, có thể thấy, Cuộc cách mạng tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra cả một chân trời rộng lớn cho sự phát triển của đất nước ta mà những thử thách của những thập kỷ phải chiến đấu giữ vững nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn của dân tộc đã lấy mất của chúng ta biết bao cơ hội, để hôm nay, công cuộc phấn đấu của dân tộc Việt Nam vẫn hướng theo những mục tiêu đã được xác lập từ Mùa Thu cách mạng gần 70 năm về trước./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...