Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
 


Lễ đón chính thức Chủ tịch Ủy ban châu Âu diễn ra trọng thể.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Durão Barroso sang thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 25 và 26/8. Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm, cùng nhau trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư.

Với 28 nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và EU đến năm ngoái đã đạt con số 33,7 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay đạt 17,5 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu như dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng… Trong lĩnh vực đầu tư, đến tháng 6 năm nay đã có 23/28 nước thành viên EU đầu tư 1.471 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 18 tỷ USD. EU cũng luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam. Giai đoạn 2014 – 2020, EC cam kết viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro tập trung vào 2 lĩnh vực là năng lượng bền vững và quản trị quốc gia…

Trong không khí cởi mở, thẳng thắn và xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội của mỗi bên; cùng nhau trao đổi các biện pháp thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU đã hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam giai đoạn sau 2014; đồng thời khẳng định: Việt Nam cam kết tiếp tục mở cửa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với EU trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, đầu tư, hợp tác phát triển cho đến các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành như y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, tài chính, ngân hàng, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất một loạt các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới, trong đó có việc: Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) với Việt Nam; EC cùng Việt Nam nỗ lực thúc đẩy để kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU theo đúng lộ trình và có tính đến sự chênh lệch trình độ phát triển giữa hai bên; EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong cuộc họp báo sau hội đàm: “Tôi và ngài Chủ tịch EC cùng nhất trí về một số định hướng lớn trong quan hệ. Một là về chính trị, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN - EU, ASEM, Liên Hợp Quốc.... Hai là về kinh tế, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau và cùng nỗ lực phấn đấu để biến ý chí chính trị thành hiện thực, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vào trước tháng 10/2014. Ba là về hợp tác chuyên ngành, hai bên sẽ tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và EU có thế mạnh như thông tin, truyền thông, khoa học – công nghệ, y tế, môi trường, tài chính, môi trường, biến đổi khí hậu...”. 
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso khẳng định: Liên minh châu Âu luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác đặc biệt với Việt Nam. Việt Nam không chỉ là một nền kinh tế mới nổi mà còn là thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá cao nỗ lực của các bước đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, bày tỏ lạc quan hai bên sẽ kết thúc đàm phán hiệp định này đúng dự kiến, đem lại cơ hội phát triển cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, nhất là đối doanh nghiệp, người dân cũng như tiến trình cải cách của Việt Nam. Chủ tịch José Manuel Durão Barroso nhấn mạnh: Liên minh châu Âu tiếp tục song hành cùng Việt Nam trên tiến trình phát triển và cải cách.


Lễ ký tuyên bố Liên minh châu Âu quyết định tài trợ 2,65 triệu Euro hỗ trợ thương mại quốc tế 
và đầu tư bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017.

Bên cạnh các vấn đề hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như Biển Đông, hội nghị Cấp cao Á – Âu sắp tới.

Đánh giá cao đóng góp của EU đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tham gia hợp tác sông Mê Kông - Đa-nuýp trong khuôn khổ ASEM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu, rộng hơn nữa của EU vào các vấn đề khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông./.
(Theo vov.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...