Năm học của đổi mới giáo dục

Năm học 2014 - 2015, Lào Cai cùng với cả nước chính thức thực hiện chương trình “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong không khí náo nức của năm học mới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Ninh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, xin đồng chí đánh giá khái quát một số kết quả trong công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Năm học 2013 - 2014 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Chất lượng và hiệu quả giáo dục có chuyển biến rõ rệt, toàn diện và đồng đều hơn ở cả vùng thấp và vùng cao. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai).

Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc và là tỉnh thứ 7 trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có thêm 31 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn trong tỉnh lên 255 trường. Hệ thống trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú tiếp tục có chuyển biến về điều kiện, nền nếp, chất lượng hoạt động. Cuộc thi khoa học kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn, thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet, dạy học theo chủ đề tích hợp mới được triển khai và đã đạt được kết quả cao hơn hẳn so với năm học trước, đặc biệt học sinh của Lào Cai đã đạt giải Nhất lĩnh vực, giải Nhì quốc gia thi nghiên cứu khoa học. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, “Thầy giúp thầy, trò giúp trò”... đã phát huy hiệu quả rõ rệt, có sức lan tỏa rộng rãi trong toàn ngành.

Phóng viên: Năm học 2014 - 2015, tỉnh chính thức thực hiện chương trình hành động về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đồng chí cho biết ngành giáo dục tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Ngành giáo dục tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường về yêu cầu, nhiệm  vụ đổi mới giáo dục; cần nhận thức rõ đây là thời cơ mới, cũng là một thách thức đối với toàn ngành, trong đó, điểm mấu chốt là nhận thức và năng lực tự đổi mới của cán bộ quản lý, giáo viên. Năm học mới, sẽ đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý theo hướng lấy đổi mới quản lý, chỉ đạo làm khâu đột phá trong tổ chức thực hiện, trước hết từ Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục. Ngành giáo dục tỉnh lấy đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục làm trọng tâm; thực hiện giảm tải chương trình, đổi mới đồng bộ phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp, môi trường giáo dục, cảnh quan trường lớp học; chủ động, tích cực hội nhập, lĩnh hội phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục tiên tiến, xây dựng các mô hình giáo dục mới tiên tiến, hiệu quả.

Phóng viên: Trong đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, khó khăn chung của ngành giáo dục tỉnh hiện nay là thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế. Vậy làm thế nào để khắc phục khó khăn này, thưa đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Theo đề án, đến 2015 toàn tỉnh còn thiếu 2.411 chỉ tiêu biên chế, trong đó, thiếu 1.398 giáo viên, 1.013 nhân viên. Khắc phục khó khăn đó, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành phát động thực hiện Cuộc vận động “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”. Theo đó, vận động cán bộ quản lý, giáo viên tình nguyện từ các trường ở thành phố Lào Cai, vùng thuận lợi lên giúp đỡ các trường vùng cao, các trường đủ hoặc thiếu ít giáo viên đi giúp đỡ trường thiếu nhiều giáo viên. Trong trường, vận động giáo viên dạy thêm giờ, thêm buổi. Riêng khối các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục tỉnh đã vận động được 19 cán bộ quản lý, giáo viên tình nguyện tăng cường cho các trường vùng cao. Giải pháp này không chỉ khắc phục được khó khăn trước mắt về thiếu giáo viên, mà còn là cơ hội để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ từ thực tiễn giáo dục vùng cao, xây dựng truyền thống tự nguyện, tương thân tương ái của nhà giáo Lào Cai.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, muốn đổi mới giáo dục hiệu quả, đối với tỉnh Lào Cai, trước hết phải giải được bài toán về duy trì tỷ lệ chuyên cần ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục tỉnh có giải pháp gì?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đánh giá, phân loại và xác định được danh sách 20 xã còn khó khăn về giáo dục. Trong năm học 2014 - 2015, ngành tập trung chỉ đạo các xã này với mục tiêu là kết thúc năm học tạo được sự chuyển biến rõ rệt ở ít nhất 15 xã, ở 5 xã còn lại có những chuyển biến tích cực. Sẽ thực hiện giao chỉ tiêu học sinh THCS đi học chuyên cần cho các trường, thời điểm mưa, rét, lễ hội, mùa vụ... phải đạt từ 90% trở lên. Các trường THCS phải niêm yết số lượng học sinh đi học, báo cáo số lượng học sinh đi học hằng ngày lên Trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã để có giải pháp giải quyết, khắc phục kịp thời. Ngoài ra, các trường tổ chức dạy phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém, học sinh đi học không đều; tăng cường quản lý, hướng dẫn học sinh bán trú tự học buổi chiều, buổi tối; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút học sinh ra lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phân công mỗi phòng, ban của sở phụ trách, giúp đỡ một xã khó khăn, có trách nhiệm tạo sự chuyển biến rõ rệt ở các xã này.

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia  năm 2015 thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Đây là sự thay đổi lớn, làm thế nào để giáo viên và học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số bắt kịp với đổi mới của kỳ thi?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Ngày 29/7/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo 3 phương án kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức chung với kỳ thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng trên cả nước để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Việc chuẩn bị cho đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã có chuẩn bị từ những năm trước, không phải từ năm học này mới đề cập đến. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Ngành giáo dục tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học, tạo chuyển biến rõ rệt chất lượng ở từng môn học, ở từng lớp, nhất là lớp 12; quyết tâm thực hiện giảm tải chương trình, nội dung dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đảm bảo học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng dự thi tốt nghiệp năm 2015.

Phóng viên: Nhân dịp đầu năm học mới 2014 - 2015, đồng chí có chia sẻ gì đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh toàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một thời cơ mới, đồng thời cũng là một thử thách đối với toàn ngành và mỗi nhà giáo. Đổi mới giáo dục là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng cũng là một vinh dự, một sứ mệnh và trọng trách vẻ vang đặt trên vai của mỗi cán bộ quản lý, mỗi nhà giáo và nhân viên giáo dục trong giai đoạn này. Thực tiễn đổi mới giáo dục đã thành công của đất nước và Lào Cai trong những năm qua, truyền thống hiếu học của người Lào Cai, của học trò Lào Cai, sự tâm huyết, sáng tạo của các thế hệ nhà giáo Lào Cai là thực tiễn sinh động, là động lực cho ngành giáo dục bước vào công cuộc đổi mới lần này. Vạn sự khởi đầu nan! Nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện nhiệm vụ đổi mới giáo dục, cùng với những quyết tâm mới, sự tự đổi mới của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tin tưởng trong năm học mới 2014 - 2015 hứa hẹn nhiều thành công!

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.