Huyện Mường Khương: Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

Những năm gần đây, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông - lâm nghiệp ở địa phương, huyện Mường Khương đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của huyện đi vào chiều sâu và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Bản Lầu là xã biên giới của huyện, có nhiều lợi thế về đất đai, lao động, đã sớm quy hoạch vùng sản xuất cây nông nghiệp, đưa các giống cây trồng mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, trong đó, tập trung phát triển diện tích cây chuối và dứa hàng hóa.

Vườn ươm giống cây chè của Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình (Mường Khương).

Đồng chí Đỗ Duy Phiên, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết: Để phá thế độc canh cây ngô, lúa, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện đẩy mạnh công tác vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hình thành thêm các vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, xã Bản Lầu đã quy hoạch thành vùng trồng tập trung, với diện tích cây nông nghiệp hiện có 720 ha dứa, 250 ha cây chuối mô, 280 ha chè, 400 ha ngô…

“Mặc dù có những khó khăn trong phát triển và bài toán “đầu ra” cho sản phẩm, nhưng hai loại cây trồng là chuối và dứa trở thành cây trồng chủ đạo giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Việc thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thuận lợi cả về chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cũng như khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm” - đồng chí Đỗ Duy Phiên cho biết thêm.

Là người có gần 20 năm trực tiếp tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân ở xã Bản Lầu, ông Nguyễn Đức Pao, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu, cho rằng: Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì yếu tố quan trọng đó là có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, còn đối với nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, làm sao bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa hai bên.

Đối với xã Bản Xen, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xã đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông; xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt và chăn nuôi, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng chí Đặng Quý Vân, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xen cho biết: Đến nay, xã đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như chè (520 ha), ngô hàng hóa (350 ha). Bên cạnh đó, xã còn mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Qua bình xét 3 năm thực hiện phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, toàn xã có 110/859 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch dứa.

Với đặc thù là một huyện vùng cao, biên giới, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy, huyện Mường Khương đã xác định các loại cây ngô, chuối, dứa và chè là nhóm cây mũi nhọn bên cạnh các loại cây trồng khác như đậu tương, ớt và chăn nuôi để thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Để đưa những cây trồng này thực sự trở thành cây mũi nhọn, huyện Mường Khương đã tăng cường đưa cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác ngô trên đất dốc, thay thế giống ngô cũ và các loại cây kém hiệu quả, mở rộng diện tích ngô kỹ thuật giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ.

Thực tế những năm qua, huyện Mường Khương đã thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành những vùng chuyên canh và thâm canh các loại cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tổng diện tích các loại cây trồng được Mường Khương lựa chọn quy hoạch chi tiết sản xuất hàng hóa lên tới 13.360 ha, chiếm gần 39% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện. Hiện nay, huyện Mường Khương có nhiều vùng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao như: Cây chuối mô (272 ha), cây chè (1.500 ha), cây dứa (750 ha). Đối với cây lương thực, như ngô hàng hóa được bà con đưa vào trồng đại trà không chỉ ở các xã vùng thấp, mà phát triển rộng trên các nương đồi vùng cao, với diện tích gần 6.700 ha; đưa vào gieo cấy 600 ha lúa đặc sản Séng cù tại các xã Nấm Lư, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Thanh Bình, Lùng Khấu Nhin, thị trấn Mường Khương. Các loại cây gia vị, thảo dược cũng được huyện chú trọng đầu tư phát triển mở rộng, như cây ớt, thảo quả. Theo tính toán của ngành chức năng, hệ số sử dụng đất đạt 1,79 lần, tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt bình quân đạt 14%/năm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác ước đạt gần 45 triệu đồng/ha. Có nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Mường Khương đã tạo được thương hiệu trên thị trường: Tương ớt, gạo Séng cù, dứa, chè Thanh Bình theo tiêu chuẩn VietGAP…

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất, sản lượng cây trồng của huyện Mường Khương đã được nâng cao, sản xuất nông nghiệp của huyện đang hướng tới bền vững.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.