UNESCO cảnh báo tình trạng suy giảm nguồn viện trợ cho giáo dục

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), viện trợ cho giáo dục đã giảm xuống đáng kể: Hơn 6% trong giai đoạn 2010 – 2011 và 3% trong năm 2012. Giáo dục cơ bản giúp trẻ em có được những hiểu biết và kỹ năng nền tảng hiện cũng chỉ nhận được khoản hỗ trợ tương tự như vào thời điểm năm 2008.
 


Các khoản đầu tư cho giáo dục đã giảm trong bối cảnh còn nhiều trẻ em chưa được đến trường. (Ảnh: UNICEF)

Vào thời điểm chỉ còn đúng một năm trước thời hạn để đạt được các mục tiêu "Giáo dục cho mọi người" thì vẫn có tới 57 triệu trẻ em và 69 triệu thanh thiếu niên không được đi học trên toàn thế giới. Những con số trên vừa được công bố trước hội nghị các nhà tài trợ dự kiến tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào ngày 25 và 26/6 tới đây, trong đó các nhà tài trợ được khuyến khích tăng cường đầu tư thêm 3,5 tỷ USD cho giáo dục ở các nước nghèo nhất.

"Khi rất nhiều chàng trai và cô gái vẫn không được đi học thì việc giảm sút các khoản tài trợ cho giáo dục tiếp tục xảy ra là một vấn đề nghiêm trọng đáng được lưu tâm", Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết. "Tăng cường hỗ trợ bên ngoài cho giáo dục là một nghĩa vụ đạo đức và vì sự phát triển. Chúng tôi nhận thấy rõ sự khác biệt mà khoản viện trợ nhằm mục tiêu tốt có thể mang lại để giúp các quốc gia xem một nền giáo dục có chất lượng là một ưu tiên".

Báo cáo cho thấy viện trợ luôn luôn giữ vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia, chiếm hơn 1/4 chi tiêu công cho giáo dục ở 12 quốc gia. Tuy nhiên, với sự suy giảm 10% dòng viện trợ cho ngành này, rõ ràng các nhà tài trợ đã thôi xem giáo dục là ưu tiên phát triển.

"Tình trạng suy giảm đáng báo động nguồn viện trợ này diễn ra trong bối cảnh thâm hụt khoản kinh phí đầu tư hằng năm 26 tỷ USD cho giáo dục. Trừ khi xu hướng tiêu cực này được đảo ngược, khả năng đạt được các mục tiêu toàn cầu về giáo dục rất khó có thể được hoàn thành – ngay cả khi các mục tiêu mới cho giáo dục được thiết lập cho đến năm 2030", Giám đốc Báo cáo giám sát toàn cầu "Giáo dục cho mọi người" Aaron Benavot nhấn mạnh.

"Với các khoản viện trợ thấy rõ là không chắc chắn, các Chính phủ cần khẩn trương cải thiện nguồn tài chính nội bộ của mình, bao gồm cả việc quản lý tốt hơn các hệ thống thuế để quá trình phát triển đất nước không bị rơi vào vòng nguy hiểm".

Việc cắt giảm viện trợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia hiện đang còn xa nhất mới đạt được ​​các mục tiêu về giáo dục. Ở vùng châu Phi cận Sahara, nơi có hơn một nửa số trẻ em không được đi học trên thế giới, viện trợ cho giáo dục cơ bản giảm trong giai đoạn 2010 – 2011 và không tăng trong giai đoạn 2011 – 2012. Từ năm 2010, 12 nước châu Phi đã chứng kiến tình trạng cắt giảm 10 triệu USD hay thậm chí còn nhiều hơn trong các chương trình viện trợ cho giáo dục cơ bản.

Hai quốc gia phải gánh chịu cắt giảm lớn nhất trong viện trợ cho giáo dục cơ bản giai đoạn 2010 – 2012 là Ấn Độ và Pakistan, mặc dù cả hai nước này đều nằm trong số 5 quốc gia có số trẻ em không được đến trường nhiều nhất thế giới.

Viện trợ cho giáo dục cơ bản tại các nước có thu nhập thấp đã tăng nhẹ vào năm 2012 so với tình trạng suy giảm trong năm 2011, nhưng mức độ vẫn còn thấp hơn so với năm 2010. 22 quốc gia có thu nhập thấp nhận được ít viện trợ cho giáo dục cơ bản hơn 2 năm trước đây./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.