“Không phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vì biển Đông”

Trước thông tin cho rằng, Trung Quốc có thể trả đũa về kinh tế với Việt Nam vì tình hình biển Đông, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, chúng ta luôn chủ động, sẵn sàng có phương án để đề phòng trường hợp này. Đây cũng là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
“Không phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vì biển Đông”
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp báo chiều 29/5.
                                                                                                                                               Ảnh: VnEconomy
 

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/5, nội dung được báo giới tập trung và dành trọn thời gian để trao đổi với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chính là diễn biến tình hình ở biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh câu chuyện đấu tranh trên thực địa, vấn đề được báo giới quan tâm chính là những tác động của vụ việc trên đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào, chúng ta có bị ảnh hưởng tiêu cực, có phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, hiện nay, dù một số thống kê về kinh tế, du lịch, giao thương… với Trung Quốc có giảm, nhưng không đáng kể, tình hình kinh tế trong nước vẫn ổn định.

Chính vì vậy, Chính phủ cũng không bàn đến chuyện phải điều chỉnh các mục tiêu về kinh tế - xã hội đã đặt ra từ đầu năm.

“Đến giờ này quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn phát triển bình thường. Mặt khác, chúng ta tin tưởng người dân hai nước mong muốn yên bình để phát triển sản xuất, giao lưu kinh tế, buôn bán để cuộc sống phát triển”.

“Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục quan điểm không có bất cứ động thái, chủ trương nào thay đổi chính sách mở cửa, giao thương với tất cả các nước”.

Đặc biệt, trước những thông tin cho rằng, Trung Quốc có thể trả đũa về kinh tế với Việt Nam, Bộ trưởng Nên cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải luôn sẵn sàng có phương án thị trường khác thay thế để thị trường này khó khăn thì tiếp cận thị trường khác. Còn nếu thị trường này vẫn phát triển thì chúng ta tiếp tục.

Cũng theo Bộ trưởng Nên, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, họ mong muốn hòa bình, hữu nghị, tiếp tục làm ăn. Do đó không có hướng thay đổi nào, không có một chủ trương nào khác trong việc này.

Tại phiên họp Chính phủ trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định, Việt Nam luôn chủ động trước mọi tình huống về kinh tế có thể xảy ra. Ngay cả tình huống xấu nhất là Trung Quốc đóng cửa giao thương để ép chúng ta thì chúng ta vẫn hoàn toàn có nhiều phương án khác, không đến mức không có thị trường Trung Quốc thì không còn thị trường nào khác.

Hơn nữa, theo Thủ tướng, quan hệ kinh tế là quan hệ hai bên cùng có lợi, Trung Quốc cũng khó có thể đóng cửa, bởi đơn giản nhất là nếu mua gạo của chúng ta chắc chắn rẻ hơn các nước khác.

Bên cạnh đó còn có các hiệp định kinh tế mà Trung Quốc đã ký với các nước khác trong ASEAN, trong đó có cả Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam sẽ phối hợp với nước thứ ba để đấu tranh về pháp lý đối với Trung Quốc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là độc lập tự chủ, không liên minh liên kết với ai để chống ai.

Tuy nhiên, theo ông Hải, đấu tranh pháp lý là công việc phức tạp. Ngay cả toà cũng có rất nhiều loại hình, ví dụ như toà án công lý quốc tế, toà án luật biển, toà án trọng tài. Hình thức kiện cũng có nhiều hình thức khác nhau, có thể kiện riêng hoặc tham gia vào vụ nào đấy.

“Phải nghiên cứu tất cả các hình thức, cũng như chọn toà để tìm ra phương án tối ưu nhất là bảo vệ bằng được lợi ích chính đáng của chúng ta. Việc sử dụng hay không sử dụng biện pháp pháp lý cũng là nhằm mục đích đó”, ông Hải nói.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, về khả năng sử dụng biện pháp pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc, hiện nay chúng ta đã chuẩn bị từ lâu, nhưng để thực hiện nó như thế nào và lúc nào thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng. Bởi, khi khởi kiện ra cơ quan toà án quốc tế thì hồ sơ pháp lý là một yêu cầu cần và đủ, nhưng nó còn có những khía cạnh khác. Trong lúc này, lãnh đạo chúng ta phải cân nhắc, tính toán để chọn thời điểm hoặc phải thực sự cần thiết mới tính đến giải pháp này.

“Thủ tướng Việt Nam khi công tác ở nước ngoài cũng khẳng định, hiện nay chúng ta đang cân nhắc kiện. Nếu Trung Quốc chịu ngồi lại, đàm phán chân thành như chúng ta, thực hiện các yêu cầu mà chúng ta đưa ra, thì tình hình có thể đã khác”, Bộ trưởng Nên nói.

Ngân hàng nước ngoài vẫn ổn định

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, sau vụ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và một số vụ gây rối vừa qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng về cơ bản vẫn ổn đinh.

Hệ thống chỉ xáo động mất khoảng một tuần do tâm lý trước sự việc biển Đông và tác động mang tính kỳ hạn, vì thông thường Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá vào đầu tháng 6. Cộng hai yếu tố đó đã làm cho tỷ giá và giá vàng có tăng lên trong một tuần làm cho giá vàng tăng lên sau sự kiện biển Đông, nhưng sau đó đã ổn định trở lại.

Còn xét về tổng thể, đến thời điểm này, toàn hệ thống ngân hàng vẫn tương đối ổn định.

Báo cáo về ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng đối sau vụ việc gây rối, Thống đốc Bình cho biết, về cơ bản là an toàn, chỉ có một số máy ATM bị đập phá nhưng không bị mất tiền.

Các doanh nghiệp bị thiệt hại sau vụ việc gây rối có dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng và 136 triệu USD, không phải là lớn. Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cho giãn, hoãn hoặc khoanh nợ 3 -5 năm rồi sau đó xử lý tiếp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp với ngân hàng nước ngoài, trong đó có các ngân hàng Trung Quốc. Hầu hết đều khẳng định hoạt động bình thường, cam kết hoạt động lâu dài. Thậm chí một số ngân hàng còn muốn mở thêm chi nhánh tại Việt Nam.


Riêng đối với các ngân hàng của Trung Quốc, Đài Loan, tập thể các ngân hàng này rất cảm kích trước phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Họ đã yên tâm và cam kết hoạt động lâu dài.
 
 
“Biển Đông không ảnh hưởng nhiều đến ngân hàng” 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Các ngân hàng Trung Quốc, Đài Loan cho biết
họ rất tin tưởngChính phủ Việt Nam và cam kết hoạt động lâu dài, ổn định".
  Ảnh: VnEconomy.
 

Trước một số cảnh báo về biến động dòng tiền, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thấy hiện tượng doanh nghiệp chuyển tiền về nước, thậm chí có tăng lên, do tiền vẫn để lại tài khoản. Không có chuyện doanh nghiệp nước ngoài rầm rộ chuyển tiền về nước như đồn thổi.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này cũng không chủ quan, sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền, an ninh hệ thống mạng.

Giảm lãi suất cũng có hai mặt

Về số liệu cụ thể của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đến cuối tháng 5, Thống đốc Bình cho hay, trong hơn 20 ngày đầu của tháng 5, tiền gửi vẫn tăng 0,66%, chỉ có tiền gửi ngoại tệ của dân cư có giảm.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,15% là phù hợp do đầu năm đến nay chúng ta mua ngoại tệ nhiều nên làm cho lượng tiền tăng lên.

Lạm phát ở mức 1,08% sau khi tăng 0,2% trong tháng vừa qua. Do đó, cơ quan này dự báo lạm phát  tiếp tục tăng 0,4 - 0,6% do lạm phát thực tế tăng và chi phí y tế ở Tp.HCM tăng. Theo Thống đốc Bình, dù có tăng mức đó thì lạm phát 6 tháng cũng chỉ 1,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Phân tích về lạm phát cơ bản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với đầu năm đã tăng 1,6%, và 3,44% so với cùng kỳ cho thấy càng ngày lạm phát cơ bản và lạm phát thật cơ bản gần nhau hơn. Điều này cũng thể hiện có một số mặt hàng giá tiếp tục giảm, tổng cầu nền kinh tế vẫn còn yếu.

Dự báo của Ngân hàng Nhà nước rằng, nếu không có gì quá đột xuất thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát, thậm chí dưới 5%.

"Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, đang cân nhắc có tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không", ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay tình hình đã ở ngưỡng cân bằng của nền kinh tế nên việc giảm lãi suất cũng có hai mặt. Nếu giảm tiếp thì có thể có tác động nhiều mặt, trong đó tác động đến giá trị của VND. Do đó phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, bởi có khi cái hại còn nhiều hơn cái lợi nếu giảm lãi suất, theo Thống đốc Bình.

Về cán cân thanh toán, đến thời điểm này vẫn thặng dư 10 tỷ USD. Duy chỉ có tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn, đến nay sau 5 tháng dao động từ 1,1 - 1,3%., chứng tỏ cầu vẫn yếu.

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng và doanh nghiệp để tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, chủ yếu là do cầu chưa cao, còn hiện nay doanh nghiệp cũng không quá quan trọng mức lãi suất vay.

Thống đốc cũng lưu ý các bộ ngành trước thực tế lượng tiền gửi của kho bạc trong hệ thống ngân hàng vẫn khá cao, lên gần 94 nghìn tỷ. Số này nếu giải ngân ngay được sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Về tình hình xử lý nợ xấu, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã mua được hơn 47 nghìn tỷ đồng nợ xấu, hiện đang tiếp tục xử lý mạnh, đang phân loại để bán lại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cơ cấu lại các khoản để giảm áp lực cho các doanh nghiệp. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã bán được gần 500 tỷ đồng nợ xấu./.
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...