Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - Biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên một Ðiện Biên Phủ (ÐBP) "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Ðây là thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam, là minh chứng hùng hồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

 

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, cả dân tộc Việt Nam ra trận. Nhân dân ta từ vùng tự do đến vùng địch hậu, từ hậu phương tới tiền tuyến, miền núi và miền xuôi, già trẻ gái trai... đã "đem toàn lực chi viện ÐBP, làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch". Ðúng như Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Ðông Xuân 1953 - 1954, chi viện cho quân đội giết giặc... Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân".

Thắng lợi ÐBP là do đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế quyết định. Trong chiến cuộc Ðông Xuân 1953 - 1954, đường lối đó được thể hiện ở chủ trương chiến lược, đánh địch bằng cả các đòn tiến công quân sự và đấu tranh chính trị, binh vận, trên tất cả các vùng trong cả nước và ở cả chiến trường Ðông Dương; bằng cả sức mạnh các đơn vị chủ lực và của sức mạnh chiến tranh du kích; với cả lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ... buộc địch phân tán lực lượng. Từ đó, đảng bộ các đơn vị quân đội và địa phương có chủ trương, giải pháp thích hợp, tập trung lãnh đạo và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên quy mô lớn chưa từng có.

Nhân dân các dân tộc ở các địa phương, từng buôn, làng, thôn, bản, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng tự do; tham gia thông tin, liên lạc, trinh sát; tiến công địch bằng binh vận, vận động sĩ quan, binh lính địch bỏ ngũ về với nhân dân và bức hàng, bức rút các đồn bốt giặc. Hàng trăm nghìn dân công tham gia tải thương, tải đạn, bảo đảm giao thông vận tải... Ðặc biệt, bằng giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất ngay trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra, Ðảng và Chính phủ đã tạo nên một luồng sinh khí mới, động lực to lớn trong nhân dân đem sức người, sức của phục vụ chiến dịch.

Trên cơ sở xác định hướng chính là Tây Bắc, Ðảng đã chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp các lực lượng địa phương, chủ động đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, phối hợp cùng Bạn tiến công địch ở Thượng, Trung và Hạ Lào; củng cố vùng tự do Liên khu V, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Nam Bộ, cực nam Trung Bộ. Cùng với những thắng lợi của các chiến dịch giải phóng Lai Châu, nam Tây Nguyên, phối hợp tiến công địch của quân và dân Lào - Việt ở Thượng và Hạ Lào, đánh mạnh địch ở đồng bằng Bắc Bộ, nam Trung Bộ... thì cuộc chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang (LLVT) ta trong vùng địch tạm kiểm soát cũng mang lại hiệu lực to lớn. Nhờ đó, ta tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng đất đai, khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch; mở rộng quy mô của cuộc tiến công chiến lược, tạo nên thế trận mới, điều kiện vô cùng thuận lợi để chi viện sức người, sức của cả dân tộc cho mặt trận và buộc lực lượng cơ động của địch bị giam chân tại các địa phương mà không thể chi viện cho tập đoàn cứ điểm ÐBP...

Dưới sự lãnh đạo của T.Ư Ðảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, quân và dân ta phối hợp chặt chẽ từ T.Ư tới địa phương, hậu phương với tiền phương, địa phương với đơn vị, sức mạnh hiện hữu của quốc gia với khả năng tiềm ẩn trong dân. Khi Ðảng động viên, ra lời kêu gọi, thì tất cả đều sẵn sàng, tham gia. Ý chí, quyết tâm của T.Ư Ðảng đã củng cố ý chí, quyết tâm, khơi dậy lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, sự đoàn kết thống nhất của cả dân tộc, ở hậu phương cũng như tiền tuyến, từ trong Ðảng đến toàn quân, toàn dân; được thể hiện từ Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Ðảng ủy, chỉ huy mặt trận, tới tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch, động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào hậu phương giữ vững quyết tâm chi viện và giành thắng lợi trong chiến dịch ÐBP...

Ðó là chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính: Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ðảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), đề ra đường lối kháng chiến độc lập, đúng đắn, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng chế độ mới để quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh dân tộc. Xây dựng LLVT nhân dân ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc...

Trên cơ sở đường lối cách mạng, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, T.Ư Ðảng và Tổng Quân ủy cụ thể hóa thành công vào lãnh đạo toàn diện chiến dịch ÐBP. Trong đó nổi bật nhất là, đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, so sánh lực lượng ta, địch; chủ động dự kiến trước những khó khăn..., để lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy, có biện pháp khắc phục, xây dựng thế trận và lực lượng chiến tranh nhân dân rộng khắp, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, dùng mưu kế, chủ động đánh địch, buộc địch phải hành động theo ý định của ta. Phát huy tối đa ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần của quân và dân; đồng thời trên cơ sở "đánh chắc thắng", đã sáng tạo ra phương châm - nghệ thuật đánh giặc độc đáo "đánh chắc, tiến chắc", để kịp thời thay thế phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Cùng với đó, chúng ta còn nghiên cứu tìm ra những điểm yếu rất cơ bản của địch mà ta có thể khai thác, lợi dụng. Các biện pháp vô hiệu hóa sân bay, không cho máy bay các loại hạ cánh; luồn sâu đánh hiểm, đánh lấn, đào dũi áp sát rồi bất ngờ xông lên tiêu diệt mục tiêu; tranh thủ thời cơ thi đua diệt từng bộ phận nhỏ quân địch, bắn tỉa săn Tây, đoạt dù triệt nguồn tiếp tế, được phát động rộng khắp, khiến quân địch không dám thò mặt ra khỏi công sự, gây tổn thất và làm cho chúng lâm vào cảnh không thể bảo đảm hậu cần tiếp tế trong vòng vây... Ðó là những đòn hiểm khoét sâu chỗ yếu, dồn địch vào tình thế "địa ngục", tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi của chiến cuộc Ðông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch ÐBP.

Ðó là chiến thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại: Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Ðảng ta luôn nhất quán phải lấy sức mình là chính, "đem sức ta mà giải phóng cho ta", nhưng bên cạnh đó phải tranh thủ sức mạnh của ngoại lực, sức mạnh của quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tăng cường đoàn kết giữa các nước XHCN trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, mà trước hết là với Liên Xô và Trung Quốc, để lấy đó làm cơ sở, hạt nhân mở rộng đoàn kết với tất cả những người cộng sản, những lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ và tiến bộ khác trên thế giới. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong Ðông Xuân 1953 - 1954, nhân dân các bộ tộc và quân giải phóng Pa-thét Lào đã đồng cam cộng khổ, sát cánh chiến đấu cùng nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác coi cuộc chiến đấu của nhân dân, LLVT ta như tiền tuyến chống chủ nghĩa đế quốc của cả phe XHCN, luôn dõi theo tình hình chiến sự ÐBP, kịch liệt lên án những âm mưu, hành động kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ, hết lòng cổ vũ và giúp đỡ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến bước quyết định, với tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả, nhân dân và Ðảng Cộng sản Pháp đã ra sức đẩy mạnh cuộc đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đòi thực dân Pháp và Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ðông Dương...

Thắng lợi của ÐBP không chỉ là thắng lợi của tiến công về quân sự, mà đó là thắng lợi của một cuộc tiến công toàn diện vào đế quốc và tay sai bằng sức mạnh Việt Nam, đặc biệt là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, được xây dựng trên cơ sở chế độ chính trị do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trên nền tảng kinh tế và nền văn hiến dân tộc, cũng như điều kiện tự nhiên đất nước, v.v. được hình thành từ trong quá khứ và được Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy lên tầm cao mới.

Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường... Các thế lực thù địch với CNXH vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta một cách toàn diện... Ðể chủ động phòng ngừa làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, không để đất nước bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với lĩnh vực quân sự, quốc phòng an ninh. Tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội đất nước. Coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc sự đoàn kết thống nhất dân tộc để làm nền tảng, động lực phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và xây dựng LLVT nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG

Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng

(theo Nhân Dân)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...