Lào Cai góp sức cùng cả nước làm nên chiến thắng

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
 


Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. (Ảnh: Tư liệu)

Đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở địa phương

Tháng 6/1963, quân và dân Lào Cai bắt gọn toán biệt kích của Mỹ, ngụy nhảy dù xuống xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), mở đầu cho phong trào nêu cao cảnh giác cách mạng, chống Mỹ, cứu nước ở địa phương. Trưa ngày 11/7/1965, máy bay Mỹ bắn phá Ga Phố Mới, khu Nông trường Đản Khao, mở màn cuộc chiến tranh bắn phá bằng không quân của đế quốc Mỹ ở Lào Cai.

Từ năm 1965 đến năm 1968, đế quốc Mỹ đã sử dụng 1.170 lần tốp máy bay với 1.400 lần chiếc xâm phạm không phận Lào Cai và đã đánh phá 18 lần ở 23 điểm, làm chết 28 người và bị thương 42 người. Trước tình hình địch tăng cường đánh phá Lào Cai, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ chiến đấu và sẵn sàng đánh trả các đợt tiến công của địch. Với quyết tâm bắn rơi máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ tỉnh ngày đêm trực chiến bám sát trận địa và đã bắn rơi 1 máy bay trinh sát không người lái của Mỹ tại Bát Xát vào ngày 23/3/1966. Bộ đội và dân quân các huyện: Bảo Yên, Văn Bàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang Yên Bái bắn rơi một số máy bay Mỹ...

Trong những năm chiến tranh, được sự giúp đỡ của Trung ương và sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Lào Cai đã phá gỡ thành công 100% số bom chưa nổ của địch; khôi phục các tuyến đường bị địch đánh phá, làm thêm 30 km đường tránh, xây dựng 3 bến phà lớn, làm thêm 3 đường hầm cất giấu xe lửa; chuẩn bị sẵn các nguyên, vật liệu như đá, gỗ, cọc tiêu, tà vẹt, ray để sửa chữa đường sắt và đường bộ. Đường thủy sông Hồng từng bước được khai thông, hình thành một mạng lưới giao thông thủy bộ dài 398 km. Các xã, thị trấn đã huy động nhân dân tại chỗ làm được 850 km đường dân sinh phục vụ đời sống và sản xuất. Nhân dân trong tỉnh cũng chuẩn bị 300 thuyền các loại, 1.000 xe cải tiến… để đáp ứng khi có lệnh của cấp trên.

Giai đoạn 1961 - 1970, hàng vạn đồng bào miền xuôi lên Lào Cai phát triển kinh tế đã được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai đón nhận và giúp đỡ; đồng bào lên khai hoang tích cực giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số về kinh nghiệm sản xuất. Đồng bào hơn 20 dân tộc nhanh chóng hòa quyện với nhau, cùng chung sống đoàn kết trong từng thôn, bản, hợp tác xã, vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa ra sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới…

Chi viện cho chiến trường miền Nam

Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập và thực hiện “Lời kêu gọi cứu quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai đã có 18.749 thanh niên, nam nữ đăng ký tình nguyện lên đường chiến đấu, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1965 đến năm 1975, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã quyết định thành lập các đơn vị lực lượng vũ trang địa phương gồm con em các dân tộc Lào Cai. Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được thành lập ngày 30/7/1967 gồm 150 chiến sỹ; 100% là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước của các cơ quan cấp tỉnh, được biên chế thành hai đại đội là C9 và C10. Sau hơn 6 tháng luyện tập tại Đồng Hỷ (Bắc Thái), ngày 12/2/1968, đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu, mang phiên hiệu PR27.
 

Hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên các chiến trường đánh Mỹ. (Ảnh: Tư liệu)

Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II có 497 chiến sỹ là con em các dân tộc của các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng và thị xã Lào Cai nhập ngũ ngày 15/7/1968, biên chế thành 4 đại đội. Sau hơn 6 tháng huấn luyện tại thị xã Lào Cai, ngày 6/2/1969, Tiểu đoàn lên đường theo tiếng gọi của tiền tuyến vào Nam chiến đấu, mang phiên hiệu 21.15-P2X9. Đầu tháng 6/1968, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I đã đến được chiến trường B4, B5 (nay là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng). Giữa tháng 7/1969, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II đã đến được chiến trường B2 (là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ).

Vào đến chiến trường, Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I được bổ sung cho các đơn vị pháo binh, chiến đấu dọc theo tuyến Đường 9 Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu và nước bạn Lào. Thời gian sau được bổ sung cho Quân đoàn 1 đánh chiếm Sài Gòn, trở thành quả đấm thép của Binh chủng Pháo binh. Do yêu cầu của Bộ Tư lệnh miền, một số chiến sỹ của Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II được bổ sung cho Đoàn 50 (Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ); một số biên chế vào các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh miền tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nước bạn Campuchia. Trong quá trình tham gia chiến đấu, 100% chiến sỹ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I và 60% chiến sỹ Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn II đạt danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi chủ trì hội nghị giao ban 9 tháng với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh và Báo Lào Cai diễn ra chiều 26/9.

Giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)

Chiều 26/9, tại tỉnh Vân Nam đã diễn ra chương trình giao lưu công tác văn hóa, du lịch giữa Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).

Lào Cai tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Lời tri ân” vào ngày 28/9

Để cảm ơn tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, lực lượng vũ trang và người dân cả nước dành cho tỉnh Lào Cai trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ...

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - Trung tâm logistics hiện đại, xứng tầm

Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, “hạt nhân” để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các...

[Ảnh] Những hình ảnh xúc động trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nậm Lúc

Vào thời điểm các thôn, xóm bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở đất, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương hiệp đồng “thần tốc” vượt sông, băng rừng, vượt núi kịp thời tham gia tìm kiếm cứu nạn. Cùng Báo Lào Cai nhìn lại những hình ảnh xúc động trong công tác...

Tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Vân Nam (Trung Quốc)

Ngày 25/9, Đoàn công tác do Sở Du lịch tỉnh Lào Cai chủ trì đã xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, bắt đầu chuyến tham quan và học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.