Việt Nam chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình

Chính sách nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ủng hộ các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
 
 
Nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Hàn Quốc năm 2012
 

Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2010 và lần thứ hai tại Hàn Quốc năm 2012. Thực hiện cam kết của mình, Việt Nam tích cực tham gia và nỗ lực thực hiện những nội dung và biện pháp trong các Tuyên bố chung của các Hội nghị thượng đỉnh, khẳng định trách nhiệm cơ bản liên quan đến nghĩa vụ của mình trong việc duy trì an ninh một cách hiệu quả, thường xuyên đối với các vật liệu hạt nhân và phóng xạ khác.
 
Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) năm 2008 của Việt Nam đã có các quy định chung về an ninh hạt nhân. Để thi hành Luật Năng lượng nguyên tử, Việt Nam đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa và hướng dẫn Luật, trong đó có các văn bản về an ninh hạt nhân. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ hiện có của Việt Nam về cơ bản được dựa trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn về An ninh hạt nhân của IAEA, đặc biệt là các khuyến cáo về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và pháp quy trong nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân phù hợp với các tài liệu hướng dẫn mới nhất của IAEA.
 
Để nâng cao năng lực quốc gia về an ninh hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” năm 2011. Các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này, trong đó có việc tăng cường năng lực để thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân, đặc biệt là triển khai công tác bảo đảm an ninh cho nhà máy điện hạt nhân. Với sự hợp tác của IAEA, Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp, trong đó có phương pháp luận về đánh giá các nguy cơ làm cơ sở thiết kế (DBT), tham gia Mạng quốc tế các Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật về an ninh hạt nhân, đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật về An ninh và thanh sát hạt nhân của Việt Nam.
 
Cùng với việc tăng cường kiểm soát các nguồn phóng xạ, Việt Nam đã thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia đối với các nguồn phóng xạ và các thông tin chi tiết về hành chính của tất cả các cơ sở có nguồn phóng xạ. Việt Nam ủng hộ và thực hiện nghiêm túc Quy tắc Ứng xử về An toàn và an ninh nguồn phóng xạ và Hướng dẫn bổ sung về xuất khẩu và nhập khẩu nguồn phóng xạ của IAEA. Trong khuôn khổ của Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ toàn cầu, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam đã nâng cấp hệ thống bảo vệ thực thể cho 24 cơ sở có nguồn phóng xạ loại 1 (các nguồn phóng xạ có hoạt độ lớn hơn 1000 Ci).
 
Cùng với cam kết Chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, Việt Nam chia sẻ thông tin về việc buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ thông qua việc tham gia vào cơ sở dữ liệu ITDB của IAEA. Đầu năm 2013, trong khuôn khổ Dự án chung IAEA-EU về an ninh hạt nhân, 08 cổng phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt và đưa vào vận hành tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Thông qua việc hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Cảng lớn, Việt Nam cũng đóng góp vào nỗ lực quốc tế trong đấu tranh chống buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân và phóng xạ. Đến cuối năm 2013, 12 cổng phát hiện phóng xạ đã được lắp đặt và đưa vào vận hành thử tại Cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng thời, thông qua hợp tác với IAEA, Việt Nam đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ tuyến đầu và Đội chuyên gia hỗ trợ cơ động (MEST), bảo đảm tính bền vững của hệ thống phát hiện phóng xạ và ứng phó hiệu quả đối với các cảnh báo phóng xạ.
 
Trong khuôn khổ Chương trình giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã tham gia chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt từ sử dụng nhiên liệu độ giàu cao (HEU) xuống nhiên liệu độ giàu thấp (LEU). Trong năm 2011, Việt Nam đã thực hiện thành công việc chuyển đổi nhiên liệu từ HEU sang LEU cho Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Tháng 7/2013, toàn bộ nhiên liệu urani có độ giàu cao đã qua sử dụng được chuyển lại Nga. Đến nay, Việt Nam hoàn hoàn không có nhiên liệu HEU.
 
Tham gia các nỗ lực quốc tế về an ninh hạt nhân, Việt Nam là thành viên của Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến này, như: Tham gia các Phiên họp toàn thể tổ chức tại Hàn Quốc năm 2011 và Mê-hi-cô năm 2013, và các hội thảo về giám định hạt nhân, chống khủng bố hạt nhân. Về xây dựng tài liệu Phát triển kiến trúc phát hiện hạt nhân, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm về “Vai trò nhận thức của dân chúng trong việc cung cấp thông tin cảnh báo”.
 
Mới đây, ngày 26/2/2014, Việt Nam và Hàn Quốc cùng IAEA ký “Ý định thư” để triển khai thử nghiệm việc sử dụng Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (RADLOT) tại Việt Nam, nhằm đóng góp phần quản lý an ninh các nguồn phóng xạ trong hoạt động kiểm tra không phá hủy. Đây là một hoạt động nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Việt Nam và Tổng thổng Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai tại Xê-un.
Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ hai, Việt Nam đã ủng hộ 02 sáng kiến đa phương tự nguyện (Gift Basket) và sẽ tiếp tục ủng hộ các sáng kiến khác tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba.
 
Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn về an ninh hạt nhân của IAEA tại các cuộc họp tư vấn của IAEA và tham gia vào Ủy ban Hướng dẫn An ninh hạt nhân. Trên cương vị thành viên (2013-2015) và Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA (2013-2014), Việt Nam đã và sẽ tích cực đóng góp cho vấn đề bảo đảm an ninh hạt nhân.
 
Việt Nam cam kết thực hiện Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo của mình. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát tháng 9/2012; gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước, tháng 10/2012; gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ tháng 9/2013. Hiện tại, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và chuẩn bị để tham gia Công ước quốc tế về Ngăn chặn hành động khủng bố hạt nhân. Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Hội thảo khu vực để thúc đẩy phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân do IAEA tổ chức tại Trung Quốc năm 2013.
 
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Hay (Hà Lan)  diễn ra từ 24 - 25/3/2014, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, phát huy kết quả của các Hội nghị Thượng đỉnh tại Oa-sinh-tơn và Xơun, Việt Nam khẳng định lại cam kết của mình về các mục tiêu chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; đồng thời khẳng định, các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân sẽ không cản trở quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình./.
(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...