An toàn hạt nhân cần những giải pháp bền vững

Lãnh đạo cấp cao của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đang tề tựu ở La Haye, Hà Lan để bàn về những vấn đề liên quan tới hạt nhân tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3.
 
Hội nghị kéo dài 2 ngày (24 - 25/3) sẽ làm rõ tầm quan trọng của an ninh hạt nhân và không phổ biến hạt nhân trong cộng đồng quốc tế, cũng như đánh giá về các kết quả đã đạt được thời gian qua và tìm giải pháp bền vững liên quan đến an ninh và an toàn hạt nhân.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước ngày càng coi trọng vai trò của cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng nước chủ nhà Hà Lan Mark Rutte nói: “Khủng bố hạt nhân là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu. Hơn thế nữa, việc còn thiếu các thỏa thuận quốc tế ràng buộc về lĩnh vực này khiến chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Tại hội nghị lần này ở La Haye, thành phố của Hòa bình và Công lý, chúng ta sẽ phải làm cho thế giới an toàn hơn”.

Các chuyên gia cho rằng, các nước cần phải tăng cường chia sẻ những thông tin không nhạy cảm về lĩnh vực hạt nhân nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau trong vấn đề này. Mỗi nước cũng cần chủ động tích cực thực hiện các biện pháp cải thiện an ninh hạt nhân trước khi cộng đồng quốc tế có một cơ chế thống nhất.

Nói đến hạt nhân, ai cũng phải thừa nhận rằng, nó không thể thiếu để phục vụ những mục đích hòa bình; nó đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới để giúp phát triển nông nghiệp, y học và nghiên cứu. Hạt nhân cũng có thể trở thành cứu cánh của môi trường bởi nó có thể tạo ra nguồn điện năng thay thế cho thủy điện, nhiệt điện vốn chẳng mấy thân thiện với môi trường ngay cả trong lúc vận hành bình thường. Tuy nhiên, làm thế nào để hạt nhân giúp loài người ngày càng an toàn hơn trong “sống chung với hạt nhân”, chứ không phải là mối lo về các thảm hòa hạt nhân đã từng diễn ra ở Chernobyl năm 1986, hay Fukushima năm 2011 chính là điều được trông đợi tại những hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Đây cũng đã là lần thứ 3 trong vòng 4 năm qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhóm họp để tìm cách giải quyết vấn đề. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Washington (Mỹ) năm 2010 là một thành công với việc các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đã ngồi lại với nhau để trao đổi về vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu. Ở Hội nghị lần thứ 2 tại Seoul (Hàn Quốc), các nhà lãnh đạo cấp cao các nước đã thống nhất đưa ra các giải pháp định hướng hành động trong tuyên bố chung. Theo giới phân tích, hai hội nghị lần trước mới chỉ tập trung vào một thỏa thuận có thể chấp nhận được cho tất cả các bên trong lĩnh vực an ninh hạt nhân nhưng chưa vạch ra những chiến lược cụ thể cần phải thực hiện để ngăn chặn nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Chắc chắn rằng, giải giáp vũ khí hạt nhân chính là vấn đề được cả nhân loại quan tâm nhất trong số các vấn đề liên quan tới hạt nhân. Vũ khí được sinh ra chắc chắn nhằm hướng tới mục đích tấn công đối phương, dù là tấn công trước hay chỉ để phòng bị và đáp trả khi bị tấn công. Vũ khí hạt nhân cũng không là ngoại lệ. Chính bởi thế, khi vũ khí hạt nhân còn tồn tại, nghĩa là loài người vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công và mất an toàn. Một số chuyên gia ước tính rằng, chỉ với một lượng rất nhỏ vũ khí hạt nhân hiện nay trên toàn thế giới được sử dụng, lượng phóng xạ phát tán ra môi trường có thể phá hủy toàn bộ nền nông nghiệp trên thế giới khi cây trồng bị héo úa và chết khô, loài người có thể sẽ bị xóa sổ. Đây thực sự là một viễn cảnh kinh hoàng và để xóa bỏ điều đó, việc giải trừ vũ khí hạt nhân là tối cần thiết.

Trong khi chờ đợi đến ngày cả thế giới hân hoan mở hội mừng vũ khí hạt nhân biến mất hoàn toàn, nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân là rất quan trọng nhằm kiểm soát được lượng vũ khí hạt nhân. Khi vũ khí hạt nhân càng được phổ biến rộng rãi, nguy cơ mất an toàn cho loài người sẽ càng tăng lên và càng khiến nhiệm vụ giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Một vấn đề khác là, việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình là rất cần thiết. Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân được kỳ vọng trở thành nơi để các quốc gia trao đổi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến giúp nhau bảo đảm an toàn khi sử dụng năng lượng hạt nhân. Các nước đang hoặc kém phát triển rất cần và có quyền đề nghị các nước phát triển, có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến chuyển giao công nghệ và truyền đạt kinh nghiệm để sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn, bởi khi việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở các nước đang hoặc kém phát triển an toàn hơn thì môi trường thế giới, trong đó có các nước phát triển cũng sẽ an toàn hơn.

Những vấn đề cốt lõi trên đều đã được đề cập và thảo luận trong 2 kỳ hội nghị thượng đỉnh trước tại Washington và Seoul. Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân La Haye lần này, đó sẽ vẫn là những vấn đề cốt lõi được mang ra bàn định. Có một điều rất dễ cảm nhận, cứ sau mỗi kỳ hội nghị lại có thêm nhiều sáng kiến được đưa ra, nhiều kinh nghiệm được chia sẻ và phần nhiều các quốc gia tham dự cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân được tổ chức lần đầu ở Mỹ năm 2010 đến nay, cộng đồng quốc tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo an toàn các nguyên liệu hạt nhân trên thế giới. Cụ thể, đã có 12 nước loại bỏ những nguyên liệu được làm giàu ở cấp độ cao có thể dùng để chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, hiện có 25 nước vẫn đang sở hữu nguyên liệu hạt nhân có thể dùng cho việc chế tạo vũ khí.

Tuy nhiên, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từ năm 1992 đến 2013 đã phát hiện 2.363 trường hợp vận chuyển bất hợp pháp, lấy cắp hoặc mất trộm các vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ. Mặc dù đã có nhiều tiến triển trong lĩnh vực bảo vệ vật liệu hạt nhân và tăng cường chế độ an ninh hạt nhân toàn cầu, song mối đe dọa của khủng bố hạt nhân vẫn còn hiện hữu, các nhà máy điện hạt nhân vẫn là các mục tiêu của khủng bố. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 này phải đạt được những kết quả cụ thể hơn nhằm thành lập một tổ chức thống nhất cách quản lý hiệu quả các nguyên liệu và cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới.

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng, cũng như tại hai hội nghị trước, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ủng hộ các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau Hội nghị Thượng đỉnh năm 2010, 2012 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.