Giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bạn bè quốc tế”

Ngày 26/1, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bạn bè quốc tế”.
 

Các đại biểu Việt Nam và quốc tế giao lưu tại Chương trình (Ảnh: Khánh Lan)


Tham dự buổi giao lưu có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, những người đã trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris.

Đặc biệt, chương trình giao lưu còn có sự tham gia của gần 50 đại biểu quốc tế đến từ 14 quốc gia, là những người bạn thân thiết đã tham gia tích cực vào các phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam và trong số đó có 11 người đã từng bị kết án tù.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu Việt Nam, những người đã từng trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris và các đại biểu quốc tế đã một lần nữa khẳng định: Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam, tiến hành trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Và đây cũng là thắng lợi của tất cả những ai trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; đồng thời cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris và cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; đồng thời chia sẻ những cảm nghĩ của mình khi được sang Việt Nam tham dự vào các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris.

Ông Ramsey Clark là người đã từng làm việc 8 năm trong các chính quyền Mỹ và là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ từ năm 1967 – 1969, chia sẻ: "Ngay khi ở trong chính quyền, tôi đã không tán thành những chính sách chiến tranh do giới quân sự đề ra. Sau khi rời chính quyền, tôi đã tham gia vào phong trào hoà bình đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã cùng vợ sang Paris, gặp phái đoàn đàm phán của Việt Nam để tìm hiểu về thực tế Việt Nam. Sau cuộc gặp này, tôi đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh vì hoà bình ở Việt Nam. Vào tháng 8/1972, tôi đã có chuyến thăm đáng nhớ tới Việt Nam. Lần ấy, tôi đã đi thăm 6 tỉnh, thành phố miền Bắc để chứng kiến những nơi bị Mỹ ném bom và ghi lại nhiều hình ảnh rất đỗi giản dị về Việt Nam như đê sông Hồng hay cảnh người dân đang lao động. Khi trở về Mỹ, những bài báo và những bức ảnh về chuyến thăm này được đăng trên tờ Life Magagzine đã giúp đông đảo người Mỹ hiểu rằng: hệ thống đê của Việt Nam không phải là những cơ sở quân sự. Khi ấy, tại Mỹ cũng nổ ra cuộc tranh luận nóng bỏng về việc quân đội Mỹ có đánh phá hệ thống đê của miền Bắc hay không. Bài báo đã góp phần thức tỉnh dư luận Mỹ và nhiều người đã lên tiếng kiến nghị Liên hợp quốc ngăn chặn việc này. Cuối cùng, kế hoạch ném bom đê sông Hồng của quân đội Mỹ đã buộc phải hủy bỏ".

 

Đông đảo đại biểu Việt Nam và đại biểu quốc tế tham dự Chương trình giao lưu
(Ảnh: Khánh Lan)


Khác với ông Ramsey Clark, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm thành phố Montpellier (Pháp), năm 1968, ông André Marcel Menras sang Việt Nam dạy học tại Trường Blaise Pascal, Đà Nẵng, theo một chương trình hợp tác văn hóa giữa chính phủ Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đến năm 1969 chuyển về dạy tại trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn. Ông tâm sự: "Từ Pháp sang Việt Nam đúng thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra vô cùng ác liệt, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương do chiến tranh gây ra. Điều đó khiến tôi quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Tháng 7/1970, tôi cùng với Jean Pierre Debris (một người bạn Pháp) treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện (Quốc hội) của Việt Nam Cộng hòa và rải truyền đơn đòi Mỹ và các quân đội đồng minh của họ rút quân khỏi Việt Nam. Với những hành động trên, tôi đã bị bắt và giam trong tù suốt 2 năm rưỡi tại Trung tâm cải huấn Chí Hòa. Đến ngày 1/1/1973, tức là 27 ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi đã bị trục xuất khỏi Việt Nam. Khi được trả tự do từ nhà lao Chí Hòa, tôi đã bí mật lấy danh sách tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Quốc lúc đó". Và danh sách ấy được ông chuyển tận tay cho bà Phạm Thị Minh (phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) để giúp phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh bác bỏ luận điệu của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa và Mỹ rằng không có tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam.

Xúc động khi nhớ lại những thời gian sống trong tù, ông André Marcel Menras nói, khi ở tù ông đã gặp một người bạn tên Nguyễn Văn Qưới, là thày giáo dạy tiếng Anh. Hai người thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và chính thày giáo Qưới đặt cho ông cái tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết. Năm 2009, ông đã vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công nhận quốc tịch Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết…

Những kỷ niệm, những câu chuyện trong chương trình giao lưu một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế, những người nước ngoài không phân biệt quốc tịch, màu da, sắc tộc, đảng phái tập hợp lại đấu tranh vì lương tri nhân loại, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Hội nghị Paris cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam. Thắng lợi đó không chỉ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui chung của đông đảo bạn bè quốc tế, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.

(theo Báo ĐCSVN)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...