Thách thức từ già hóa dân số

Nhiều quốc gia đang đau đầu ứng phó tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Trong bối cảnh già hóa dân số trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu và tác động mạnh đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các nước đứng trước nhiệm vụ cấp bách đưa ra chính sách thích ứng linh hoạt, tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng này để xây dựng xã hội thịnh vượng, phát triển bền vững.

Các cụ bà đang trò chuyện tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, tháng 4/2018. (Ảnh: Kyodo News)

Các cụ bà đang trò chuyện tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, tháng 4/2018. (Ảnh: Kyodo News)

Dân số già hóa đang trở thành câu chuyện chung của nhiều quốc gia, từ những nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật Bản cho đến những nền kinh tế đang phát triển như Thái Lan, Malaysia... Liên hợp quốc đã xác định, “già hóa dân số” là một xu hướng nổi bật của thế kỷ 21, có tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh xã hội. Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu sẽ chạm mức 2,1 tỷ người.

Cơ quan Thống kê quốc gia (ISTAT) của Italia cho biết, số người cao tuổi ở Italia tăng từ 9,1 triệu người năm 1994 lên 14,1 triệu người vào năm 2023. Còn ở châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia điển hình của tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã khuyến cáo rằng, số người hơn 60 tuổi tại các nước châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng lên mức 1,2 tỷ người vào năm 2050, do đó, các nước cần có các cải cách chính sách toàn diện để hỗ trợ phúc lợi cho người cao tuổi.

Hàn Quốc từng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dân số, khi số dân trong độ tuổi lao động dự kiến giảm gần 10 triệu người tới năm 2044. Xứ sở Kim chi được dự báo trở thành quốc gia dân số già hóa ở mức cao vào năm 2072, với độ tuổi trung bình là 63,4. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại nhiều nước giảm rất đa dạng, như do xu hướng kết hôn giảm khi nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời vào thời kỳ đại dịch Covid-19, do thay đổi quan niệm sống và những lo ngại về tài chính…

Không thể phủ nhận rằng, số người cao tuổi gia tăng là minh chứng cho thành tựu về y tế các nước, với hiệu quả của các chương trình chăm sóc sức khỏe được nâng cao, giúp tăng tuổi thọ của người dân. Nhưng hàng loạt vấn đề cũng đặt ra với một nền kinh tế già hóa. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa đặt ra mối lo về thiếu hụt trầm trọng nhân lực, là rào cản đối với tiến trình phát triển kinh tế. Dân số già hóa cũng gây áp lực cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội, đòi hỏi sự đầu tư vào trang thiết bị và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Theo chính phủ Nhật Bản, với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra ở nước này, chi phí chăm sóc điều dưỡng bình quân đầu người hằng năm ước tính sẽ lên tới 235.000 yen vào năm 2050.

Làm thế nào chủ động đón nhận “cơn sóng già hóa dân số”, trong đó đưa nhóm người cao tuổi trở thành động lực cho sự phát triển xã hội thay vì gánh nặng, là nhiệm vụ quan trọng của các nước. Nhiều nước chú trọng tăng tỷ lệ sinh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng già hóa nhanh chóng.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua đạo luật yêu cầu các công ty công bố thông tin về việc sử dụng thời gian nghỉ thai sản cùng các biện pháp khác để khuyến khích các ông bố đóng góp nhiều hơn vào việc nhà, qua đó giúp tăng tỷ lệ sinh. Người cao tuổi cũng ngày càng được khuyến khích tiếp tục đóng góp cho xã hội và nền kinh tế tùy theo điều kiện sức khỏe.

Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy người cao tuổi tham gia các hoạt động vì cộng đồng và xã hội như tuần tra, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ người khuyết tật…

Xu hướng già hóa dân số mang lại nhiều thách thức nhưng cũng kèm theo nhiều cơ hội. Với nguồn tri thức và kinh nghiệm quý báu của mình, người cao tuổi hoàn toàn có thể tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội khi các quốc gia có chiến lược bài bản, chủ động thích ứng xu hướng chuyển đổi cấu trúc nhân khẩu học này.

https://nhandan.vn/thach-thuc-tu-gia-hoa-dan-so-post834062.html

Đỗ Quyên (Theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Bắc nhịp cầu kết nối Á-Âu

Với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên EU, góp phần bắc nhịp cầu kết nối giữa châu Á và châu Âu. Cùng với đó, Việt Nam còn ghi đậm dấu ấn là thành viên tích...

Thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các văn miếu, thư viện trên thế giới

Là quê hương của Khổng Tử, thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có thắng cảnh Tam Khổng: Khổng miếu, Khổng phủ và Khổng lâm được công nhận là di sản văn hóa thế giới; Đại lễ tế Khổng Tử là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc.

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.