Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc

Dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển quan hệ hợp tác lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn, văn minh, nhân văn và tạo thuận lợi nhất để lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được cống hiến.
Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 1.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 1/7, tại Thủ đô Seoul, trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc, tặng quà, động viên người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Diễn đàn do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức. Cùng dự có Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc Kim Moon-soo, Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc Lee Woo Young, các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam thăm Hàn Quốc.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng và các thành viên đoàn công tác đã gặp mặt, giao lưu với đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động, tặng quà người lao động Việt Nam.

Việt Nam dẫn đầu về phái cử lao động sang Hàn Quốc

Các đại biểu đã trao đổi, đề xuất những giải pháp, kế hoạch hợp tác mới về lao động giữa hai nước, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chung mà hai nước cùng xác định và tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

Theo các báo cáo, ý kiến tại Diễn đàn, số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc tăng nhanh hằng năm và hiện Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66.000 lao động).

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 2.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển quan hệ hợp tác lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn, văn minh, nhân văn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Hàn Quốc, học tập và tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng trong môi trường làm việc tốt, có khả năng ngoại ngữ và tác phong làm việc chuyên nghiệp đã quay trở về Việt Nam khởi sự kinh doanh thành công.

Số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hằng năm (gần 20.000 lao động), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (122.660 người).

Hầu hết những lao động Hàn Quốc đều có trình độ cao với 7.625 người giữ vị trí quản lý và giám đốc điều hành, chiếm trên 38%; đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật trên 11.000 người, chiếm gần 62%.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết điều đáng mừng là vừa qua, các cơ quan của Hàn Quốc đã sang Việt Nam xem xét, kiểm tra và chính thức đồng ý cho các thanh niên ưu tú Việt Nam tiếp tục quay trở lại theo chương trình lao động 4 năm, theo yêu cầu đào tạo chất lượng chuyên môn cao hơn, tay nghề cao hơn.

"Chúng tôi tin rằng tới đây, quan hệ giữa lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, có thu nhập cao hơn và thực sự là nơi bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tác phong công nghiệp", Bộ trưởng kỳ vọng.

Ông Lee Woo Young, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc nhấn mạnh, lao động Việt Nam có đóng góp nhiều cho sự phát triển hai nước, chương trình hỗ trợ lao động cũng là trọng tâm được quan tâm của Chính phủ Hàn Quốc. Ông cho rằng cần rút gọn quy trình nhập cảnh của người lao động vào Hàn Quốc; xây dựng cơ chế mới về tuyển chọn lao động ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 3.
 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung kỳ vọng quan hệ giữa lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, có thu nhập cao hơn... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển quan hệ hợp tác lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn, văn minh, nhân văn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn đối với các cơ quan quản lý, người sử dụng lao động và người lao động của cả hai nước.

Về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng khẳng định mối lương duyên giữa hai nước đã có từ thế kỷ XII và chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, nhất là từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022.

"Trong chuyến thăm này, tôi cảm nhận được rất rõ không khí, tình cảm chân thành, tin cậy, trân quý, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển giữa hai nước, nhân dân hai nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc là một điểm sáng trong quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là nhiều lao động Việt Nam đã được quay trở lại Hàn Quốc làm việc, cho thấy phía Hàn Quốc cần lao động Việt Nam và hai bên đều hài lòng với hợp tác lao động song phương.

Thủ tướng khẳng định dư địa hợp tác lao động giữa hai nước còn tiềm năng rất lớn. Hàn Quốc là nước có nền tảng kinh tế - xã hội phát triển cao nhưng dân số già hóa nhanh, tỉ lệ sinh vào mức thấp trên thế giới và đang thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và du lịch, dịch vụ. Trong khi đó, Việt Nam là đất nước đang phát triển và đang hưởng lợi từ cơ cấu dân số vàng, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 4.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh những mặt được, hợp tác lao động giữa hai nước cũng có những mặt chưa được. Theo Thủ tướng, đây cũng là điều bình thường với một cộng đồng đông đảo người lao động Việt Nam, điều quan trọng là hai bên cùng chia sẻ, lắng nghe, tìm cách phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được và hóa giải, khắc phục các khó khăn, thách thức, tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác lao động, phát triển quan hệ hợp tác lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn, văn minh, nhân văn.

"Chúng ta sẽ cùng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động được tôn trọng và cống hiến hết mình, vì sự phát triển của bản thân, đóng góp cho hai nước và quan hệ hai nước", Thủ tướng nói.

Để xứng đáng với truyền thống hợp tác, gắn bó lâu dài, tương xứng với cấp độ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, để hợp tác lao động giữa hai nước sẽ được nâng lên tầm cao mới, Thủ tướng đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, đưa các chuyên gia, nhà quản lý có trình độ cao sang công tác, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 5.
 

Thủ tướng chụp ảnh cùng các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, phía Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), lao động trong ngành đóng tàu, nông nghiệp, thủy sản tàu cá và mở rộng ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu (như công nghệ thông tin, điều dưỡng và dịch vụ…); tăng số lượng trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn; tăng cường các biện pháp bảo đảm người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua các tổ chức, đơn vị có chức năng của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng của Việt Nam (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc) để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; bảo đảm người lao động được hưởng các lợi ích chính đáng của mình, an tâm làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Hàn Quốc; đồng thời, thực hiện tốt Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 6.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cùng người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về phía Việt Nam, Thủ tướng cho biết ngoài những ngành nghề truyền thống, Việt Nam hướng tới tuyển dụng và phái cử lao động có kỹ năng, có trình độ ở một số lĩnh vực ngành nghề mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng như đang tập trung hướng đến như bán dẫn, xe điện, công nghệ sinh học, xe tự lái...

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, tích cực phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng phía Hàn Quốc (như Bộ Tư pháp, Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng…) tập trung triển khai thực hiện các cam kết, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tình hình mới cho xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, kết nối cung cầu việc làm cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương.

Thủ tướng khẳng định trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp, người lao động Hàn Quốc đầu tư kinh doanh, làm việc, học tập hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam. "Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc- Ảnh 7.
 

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc Kim Moon-soo phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Hàn Quốc, Thủ tướng chia sẻ: Học tập là suốt đời như cha ông ta đã dạy "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Thủ tướng mong muốn thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên; các lao động Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội quý báu này để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết về văn hóa và luật pháp sở tại, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người dân Hàn Quốc để khi trở về Việt Nam, các bạn sẽ trở thành những doanh nhân giỏi, những người lao động có kỹ năng, những công dân tiêu biểu góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước cũng như mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hàn Quốc.

"Các bạn cần ý thức về trách nhiệm đối với chính mình, với gia đình, với xã hội và hai đất nước, chấp hành tốt pháp luật của Hàn Quốc. Các bạn cần cư xử đúng văn hóa của người Việt Nam, đó chính là yêu lao động, yêu hòa bình và cần yêu đất nước Hàn Quốc mà ta đến làm việc - coi như quê hương thứ hai của mình; góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế và với các bạn Hàn Quốc. Các bạn chính là những chiếc cầu nối hai quốc gia, hai dân tộc hướng đến một tương lai cùng phát triển và cùng thịnh vượng", Thủ tướng nhắn nhủ.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế, lao động sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng chung.

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất cho người lao động, nâng tầm hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc (baochinhphu.vn)

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...