Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ

Nhà nước Việt Nam thực hiện đường lối nhất quán là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.

 

 

Các đại biểu dự Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất (Ảnh: vov.vn)

Người dân tộc thiểu số được chăm lo, tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham chính ngày càng tăng, số lượng đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, trong khi người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 18%, cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%.

Trong giai đoạn 2006 – 2012, Nhà nước đã có 160 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, với kinh phí từ ngân sách lên tới 55.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ đô la Mỹ). Với nguồn lực như vậy, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tốt như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đông người dân tộc thiểu số giảm từ 32,6% năm 2009 xuống còn 24,3% năm 2012. Cơ sở hạ tầng có sự cải thiện rõ rệt: 98,6% xã có đường ô tô; 99,8% số xã và 95,5% số thôn được sử dụng điện sinh hoạt.

Năm 2012, 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học bình quân cả nước đạt gần 98%, trong đó 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường. Tất cả các tỉnh, vùng có đông dân tộc thiểu số đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Năm 2012, đã có 32 tỉnh tổ chức dạy và học 12 tiếng dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.629 lớp học chữ tiếng dân tộc với 136.600 học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai bước đầu đạt kết quả tốt.

Mạng lưới y tế phát triển nhanh chóng ở vùng có đông dân tộc thiểu số, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn có cán bộ y tế. Đồng bào dân tộc được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc và miền núi như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng...

Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, thể hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số. Đề án tập trung ưu tiên phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số rất ít người. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, nhiều chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khmer... Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia như: “Lễ hội Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Lễ Cấp sắc” của dân tộc Dao. Tổ chức UNESCO đã công nhận một số di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”...

Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đã được thành lập và Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc Khmer. Người dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bàlamôn được tạo điều kiện thành lập các Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ việc sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ và phát triển tôn giáo truyền thống. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt – Banar/Êđê/Jrai cũng được phát hành để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tích cực, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, 100% các tỉnh, thành phố đã có các Trung tâm trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng… để giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc về pháp luật. Từ năm 2009 đến hết 2012, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp hơn 200.000 lượt đối tượng là người dân tộc thiểu số, thành lập gần 2.000 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã để phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số./.

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...