Đối ngoại tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” đầu năm mới Giáp Ngọ (ngày 2/2/2014), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cập một số vấn đề trong công tác đối ngoại của đất nước mà người dân quan tâm.
 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Thưa Phó Thủ tướng, một bạn đọc lớn tuổi đã viết thư cho chương trình như sau: “Tôi theo dõi từng bước đi của ngành Ngoại giao nước nhà và rất mừng khi thấy Việt Nam liên tiếp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng thực sự tôi chưa hiểu rõ Việt Nam được lợi gì, có gì khác so với trước hay không và cá nhân từng người dân như chúng tôi thì được lợi gì”?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có thể nói năm 2013 là năm có dấu ấn rất quan trọng về đối ngoại, đó là đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước quan trọng trên thế giới đi vào chiều sâu, ổn định. Trong năm 2013, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với thêm 5 nước và đối tác hợp tác toàn diện với thêm 2 nước. Có thể nói tựu chung lại, trong hơn 13 năm qua, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước, trong đó riêng năm 2013 là 5 nước, và xây dựng đối tác toàn diện  với 11 nước.

Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đóng vai trò rất quan trọng vì đây là 5 nước lớn, quan trọng nhất trên thế giới, có tầm ảnh hưởng trên thế giới cũng như tại khu vực. Việc chúng ta xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước nói trên và là một trong số ít nước có mối quan hệ như vậy với cả 5 nước thường trực trong Hội đồng Bảo an, tạo ra mối quan hệ, trước tiên là quan hệ chính trị được nâng lên tầm cao hơn mức bình thường, hay có những quan hệ về an ninh, quốc phòng và trên các lĩnh vực khác, về kinh tế, thương mại, đầu tư. Trước tiên, đối với đất nước, đối với từng người dân, chúng ta có quan hệ tốt với các nước lớn, các nước quan trọng, nhất là các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, điều này tạo ra môi trường hòa bình, ổn định cho chúng ta.

Đặc biệt, đối với 5 nước này, vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa đều phát triển rất mạnh mẽ. Tôi lấy ví dụ, từ khi chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thương mại của Việt Nam với Nga đã tăng lên 6 lần; với Trung Quốc, mới trong 6 năm, thương mại tăng trên 4 lần; hay với Anh mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược 3 năm thì thương mại tăng lên gấp gần 2 lần. Chỉ riêng với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an hiện nay giao dịch thương mại với chúng ta đã chiếm 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì đầu tư từ 5 nước này vào Việt Nam chiếm 20%. Đây là những nước có trình độ phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật cao nên học sinh của chúng ta đi ra bên ngoài học tập cũng tập trung chủ yếu ở những nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Trong hơn 100.000 sinh viên Việt Nam ra nước ngoài hiện nay, số sinh viên đi học ở những nước này chiếm tới 60%. Về du lịch, du lịch từ 5 nước nói trên chiếm 45% du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam. Có thể nói khi chúng ta đưa quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác toàn diện thì mở ra các quan hệ của chúng ta trên các lĩnh vực khác. Đương nhiên, mỗi người dân chúng ta đều hưởng lợi từ những quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, kể cả từ du lịch và văn hóa.

Một cán bộ hưu trí hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, theo dõi tình hình Biển Đông sau nhiều năm, nhưng năm 2013, tôi thấy những xung đột, tranh cãi ở vùng biển này rất căng thẳng. Mỗi tấc đất, mỗi vùng trời, vùng biển luôn trong tim và là niềm đau đáu của những người như thế hệ chúng tôi và tôi tin tình yêu ấy cũng cháy rực trong lòng mọi người dân Việt. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh này, chúng ta cần phải làm gì vừa để duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với nước láng giềng và trong khu vực vừa bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong năm 2013, vấn đề độc lập chủ quyền của chúng ta luôn luôn được giữ vững.

Chúng ta đã xây dựng một đường biên giới hữu nghị với các nước láng giềng.

Với Trung Quốc, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ việc cắm mốc biên giới và các nghị định liên quan đến biên giới với Trung Quốc. Với Lào, chúng ta cũng đã tăng dày, tôn tạo toàn bộ mốc biên giới. Chúng ta cũng đang gấp rút hoàn thành cắm mốc biên giới với Campuchia. Như vậy có thể nói, chúng ta bảo đảm được chủ quyền, đóng góp vào việc duy trì không chỉ là quan hệ hữu nghị mà đó còn là vấn đề an ninh của đất nước chúng ta…

Trên Biển Đông cũng vậy, chúng ta có nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông. Trên thực tế, hiện nay việc làm ăn sinh sống, hoạt động kinh tế trên vùng biển và trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta vẫn diễn ra thường xuyên. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước và chống lại các hành vi vi phạm chủ quyền đất nước chúng ta. Biển Đông là một vấn đề còn có những phức tạp, còn có những tranh chấp. Đó là thực tế giữa Việt Nam với một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải thông qua thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực và phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982.

Đó là chủ trương của chúng ta. Chủ trương đó nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và trong các nước thành viên ASEAN. Chúng ta chủ trương tiếp tục thực hiện việc giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời cùng với các nước ASEAN phấn đấu xây dựng, tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Thưa Phó Thủ tướng, nhân quyền là vấn đề hàng đầu ở các nước văn minh. Tuy nhiên, trên Internet có thể thấy có rất nhiều bài viết cho rằng Việt Nam không coi trọng nhân quyền, quyền của con người bị vi phạm nghiêm trọng. Phó Thủ tướng nghĩ như thế nào về quan điểm này? Phó Thủ tướng có thể cho biết quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Qua 30 năm đổi mới, quyền của người dân Việt Nam hay quyền con người Việt Nam ngày càng được phát triển, ngày càng được Nhà nước bảo đảm. Điều này thể hiện rất rõ trong bản Hiến pháp năm 2013 vừa qua. Trong Chương 2 có 36 điều thì toàn bộ 36 điều đó liên quan đến quyền con người và các quyền con người đó hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về vấn đề nhân quyền, đó là Công ước về các quyền chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội mà chúng ta là thành viên.

Có thể nói trong thời gian vừa qua, quyền con người càng được đảm bảo hơn, điều đó được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Nhất là lĩnh vực Internet, chúng ta là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet cao, có thể nói là trong những nước cao nhất thế giới. Hiện nay, người dân sử dụng Internet trên mức bình quân của thế giới.

Chúng ta đã đảm bảo được việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít những nước (1 trong 6 nước) thực hiện được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015. Chính những thành tựu đó mà vừa qua chúng ta được bầu với số phiếu cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Hội đồng Nhân quyền của LHQ, với số phiếu 184/193 nước bầu chúng ta là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, bởi vì các nước đánh giá, thừa nhận những quyền, những đóng góp của chúng ta về quyền con người, không chỉ ở trong nước, bởi vì tham gia vào Hội đồng Nhân quyền là đóng góp vào lĩnh vực quyền con người trên thế giới.

Năm 2009, chúng ta đã có báo cáo định kỳ về thực hiện quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền của LHQ. Trong các khuyến nghị của các nước đối với chúng ta (123 khuyến nghị) thì chúng ta hầu như đáp ứng được tất cả những khuyến nghị đó. Trên 80% các khuyến nghị được đáp ứng đã nói lên quyền con người được chúng ta thực hiện rất tốt. Tới đây, vào ngày 5/2, lần thứ 2 chúng ta bảo vệ báo cáo định kỳ quyền con người ở Việt Nam và tôi cho rằng trong báo cáo, chúng ta cũng nói về những điều chúng ta đã làm được trong lĩnh vực quyền con người.

Đương nhiên, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có những vấn đề về quyền con người. Chính vì vậy, các quốc gia luôn luôn đặt mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở mỗi nước. Tuy nhiên, cũng có thể nói có những ý kiến khác nhau đối với chính sách về quyền con người ở mỗi nước. Có những người mong muốn thúc đẩy thêm những vấn đề Chính phủ chưa đảm bảo được hay còn nói là những tiếng nói đóng góp để làm tốt hơn, thúc đẩy tốt hơn quyền con người. Nhưng cũng có những tiếng nói, ở nhiều nước cũng vậy thôi, ở nước ta cũng thế, có một số người luôn tìm cách chỉ trích chính sách của Chính phủ về vấn đề quyền con người, dù chúng ta có làm tốt đến đâu. Luôn có một số thế lực, một số người tìm mọi cách chỉ trích việc thực hiện quyền con người vì những mục tiêu khác nhau.

Chúng ta cần phải vừa hoàn thiện, đẩy mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn quyền con người nhưng đồng thời cũng phải cung cấp thông tin đầy đủ, cung cấp thông tin để cho người ta hiểu và cung cấp thông tin một cách rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được và cũng nêu ra những vấn đề chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện.

Giữa các quốc gia cũng vậy, cũng có quốc gia này chỉ trích quốc gia khác tại các diễn đàn như ở Hội đồng Nhân quyền hoặc các diễn đàn quốc tế về vấn đề này vấn đề kia, thì cũng có thể do họ chưa có được thông tin về những biện pháp mà chúng ta thực hiện, nên chúng ta cần phải tăng cường đối thoại với các nước. Hiện nay, chúng ta đang có một số cơ chế đối thoại với một số nước nhằm mục đích trao đổi thông tin.

Một khán giả có hỏi: “Thưa Phó Thủ tướng, tôi đọc báo thấy Thủ tướng Chính phủ có nói là có nước thấy đoàn Việt Nam đến là người ta sợ khi nghe Phó Thủ tướng báo cáo về việc một số đoàn đi nước ngoài kém hiệu quả. Vậy thì những đoàn đi nước ngoài đã mang gì về cho đất nước? Bộ Ngoại giao sẽ góp phần kiểm soát việc này như thế nào để tiền ngân sách không còn bị lãng  phí cho một số chuyến đi không hiệu quả”?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Trong thời gian vừa qua, các đoàn của chúng ta đi ra nước ngoài về cơ bản đều đáp ứng được mục tiêu của chúng ta đề ra, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ của chúng ta trên các lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Ngay cả năm 2013, nếu so với năm 2012, có thể  thấy, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiết kiệm, hiệu quả thì các đoàn ra nước ngoài của chúng ta cũng đã giảm 30%.

Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta cần đặc biệt chú ý, đối với những đoàn chỉ đi tìm hiểu, học tập thì phải có mục tiêu rõ ràng, đó là học tập kinh nghiệm ở những lĩnh vực gì. Để sau đó, các đoàn sẽ báo cáo, chia sẻ với các cơ quan, các bộ, ngành, địa phương về những điều mình học tập được từ những chuyến đi đó.

Với các đoàn ở Trung ương, đặc biệt là địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cũng phải có trách nhiệm và Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của ta ở bên ngoài có trách nhiệm giúp cho các đoàn bố trí các chương trình, đặt mục tiêu để cho nước tiếp nhận đoàn chúng ta đáp ứng được các mục tiêu mà chúng ta đề ra. Đó là biện pháp tốt nhất để các đoàn công tác ra nước ngoài đạt hiệu quả cao nhất./.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...