Năm 2013 nhiều bước đột phá trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Kể từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đến nay, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (VNONN) luôn có những bước đột phá tích cực. Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, công tác đối với người VNONN một trong những trọng tâm của Ngoại giao Việt Nam, trong năm 2013, đã được triển khai toàn diện, mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài xung quanh những nội dung này.

 

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
 (Ảnh: HL)


Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, công tác đối với người VNONN đã đạt được những dấu ấn quan trọng nào trong năm 2013?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trong năm 2013, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao), cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người VNONN đã triển khai mạnh mẽ, chủ động nhiều hoạt động nổi bật và đạt được nhiều thành tựu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và cộng đồng người VNONN đánh giá cao.

Có thể kể đến nhiều hoạt động thành công, có ý nghĩa dành cho kiều bào như: Xuân Quê hương 2013 – Đất Tổ rạng ngời; Đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, dự Lễ đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”; Đoàn kiều bào tiêu biểu đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; Trại hè Việt Nam 2013; Liên hoan tiếng hát truyền hình Sao Mai khu vực châu Âu (phối hợp tổ chức); Gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước: “Liên kết sức mạnh doanh nhân Việt – cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh”; Đoàn báo chí về nước làm việc và dự Hội thảo “Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; và đặc biệt Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Phát huy vai trò và tiềm năng trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước” và Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên tổ chức… Các hoạt động này có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo bà con kiều bào; được dư luận đánh giá là có ý nghĩa sâu sắc, chủ động, sáng tạo, có chọn lọc, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa và con người, từ đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế. Về phương diện công tác cộng đồng, những hoạt động này đã thu hút được đông đảo bà con kiều bào tham gia, được cộng đồng hoan nghênh và đánh giá cao, qua đó tăng cường tình cảm của bà con kiều bào đối với quê hương, đất nước.

Việc huy động nguồn lực người VNONN cho phát triển kinh tế đất nước cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, thông qua lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng. Kiều hối gửi về ngày càng trở thành nguồn tài chính quan trọng cho quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2012, kiều hối đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 7/30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất trên thế giới. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2013, kiều hối gửi về nước đã đạt gần 7 tỷ USD. Ngoài ra, đến nay, 51 trong số 63 tỉnh, thành phố đã có các dự án đầu tư của người VNONN với hơn 3.600 doanh nghiệp kiều bào có số vốn đóng góp là 8,6 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản... Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp VNONN cũng đã mang nhiều dự án đầu tư lớn về cho đất nước. Các dự án góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Thêm vào đó, các hoạt động hỗ trợ và nhân đạo hướng về quê hương của cộng đồng người VNONN tiếp tục được phát huy. Bà con kiều bào tiếp tục quyên góp ủng hộ các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trong nước, nhất là vùng biên giới, hải đảo, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai... Tính riêng số tiền bà con kiều bào quyên góp, ủng hộ thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2013 là 1 tỷ 350 triệu đồng.

Công tác khen thưởng và hỗ trợ, giải quyết chính sách cho kiều bào cũng đã được tiến hành tích cực. Chúng ta đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao cho 28 tập thể và cá nhân người VNONN, Giấy khen của Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho 54 tập thể và cá nhân người VNONN đã tích cực đóng góp củng cố, xây dựng, phát triển cộng đồng và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương. Bên cạnh đó, nhiều công tác liên quan đến các hình thức khen thưởng khác dành cho kiều bào cũng đã được giải quyết.

Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí thường xuyên đưa tin hai chiều về tình hình cộng đồng với trong nước và tình hình trong nước đến với cộng đồng; bước đầu, đã tạo điều kiện để một số phóng viên báo chí kiều bào về nước đưa tin khách quan trung thực về tình hình trong nước.

PV: Năm 2013, Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên được tổ chức, nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước. Xin Thứ trưởng cho biết một số định hướng nhằm phát huy vai trò và tiềm năng của phụ nữ VNONN trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức từ ngày 19 – 22/11/2013 tại Hà Nội. Đây là sự kiện đầu tiên tạo điều kiện cho phụ nữ VNONN có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đoàn phụ nữ trong cộng đồng người VNONN; góp phần thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo điều kiện để nữ doanh nhân và trí thức Việt Nam trong và ngoài nước kết nối cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự và trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phối hợp, duy trì tổ chức những hội nghị kế tiếp dành cho phụ nữ VNONN theo chuyên đề và khu vực định kỳ 2 năm/lần. Đây là một định hướng quan trọng nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được tại Hội nghị lần này, tiếp tục tăng cường kết nối giữa phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, phát huy hơn nữa vai trò và tiềm năng của phụ nữ VNONN trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước.

Sau Hội nghị, các cơ quan chức năng cùng toàn thể đại biểu đã nhất trí đề ra một số định hướng lớn nhằm phát huy vai trò và tiềm năng của phụ nữ VNONN trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào ta ở nước ngoài hướng về đất nước, cụ thể trong các lĩnh vực: quốc tịch, thị thực, đầu tư, mua và sở hữu nhà, khoa học – công nghệ… Gần đây, Bộ Ngoại giao đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục mua nhà, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của người VNONN.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ các nữ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào trong quá trình triển khai các dự án, tăng cường kết nối, hợp tác giữa nữ chuyên gia, trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Nhằm thúc đẩy công tác tập hợp phụ nữ VNONN, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tăng cường vai trò hướng dẫn, hỗ trợ các Hội Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và thúc đẩy kết nối giữa các tổ chức hội trong và ngoài nước.

 

Năm 2013, công tác đối với người VNONN tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với nhiều
 hoạt động thành công, có ý nghĩa (Ảnh: H L)

 

PV: Chúng ta chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VNONN. Xin Thứ trưởng cho biết những bước đột phá mạnh mẽ mà Nghị quyết 36-NQ/TW đã tạo ra trong công tác đối với người VNONN? Và có những tồn tại, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị là một văn kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến cả về tư duy và hành động trong công tác đối với người VNONN; được các cơ quan, tổ chức, đồng bào trong nước và đa số kiều bào ta ở nước ngoài đồng tình, hưởng ứng. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng chương trình hành động, tăng cường phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết. Việc thể chế hóa Nghị quyết để biến các chủ trương của Đảng thành các chính sách cụ thể thông qua việc xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ kiều bào được đặc biệt quan tâm. Đến nay, chúng ta đã hình thành hệ thống khung luật pháp và chính sách về cơ bản đáp ứng những lợi ích thiết thân, chính đáng của kiều bào trên hầu khắp các lĩnh vực như: quốc tịch, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, kiều hối, cư trú, hồi hương (thường trú)… Bên cạnh đó, chúng ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp, bảo hộ công dân và tác động ở cấp cao trong quan hệ với nhiều nước, tạo thuận lợi hơn cho bà con ổn định cuộc sống và gắn bó với quê hương.

Công tác vận động cộng đồng đã được triển khai tích cực với nhiều hoạt động có nội dung phong phú, huy động được đông đảo kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn, gắn bó với đất nước như: Xuân Quê hương, Giỗ Tổ, Quốc khánh, đi thăm và tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa, Trại hè thanh thiếu niên, các Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị chuyên đề của doanh nhân, trí thức, đóng góp cho chiến lược phát triển, góp ý sửa đổi Hiến pháp…. Nhiều hình thức giao lưu văn hóa giữa cộng đồng với cội nguồn được mở rộng. Sự hợp tác, đóng góp của kiều bào về khoa học – công nghệ, kinh doanh, đầu tư, từ thiện nhân đạo…ngày càng được tăng cường. Gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động phối hợp tạo đột phá mới trong công tác đấu tranh với số người Việt cực đoan như: mở rộng diện tiếp xúc, tăng cường vận động, cho phép một số đối tượng trước đây từng có các hoạt động chống phá trong nước về thăm Việt Nam. Những hoạt động này đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả triển khai Nghị quyết, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm trong thời gian tới. Việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 36-NQ/TW tuy được quan tâm thường xuyên nhưng vẫn chưa đạt được đồng bộ về nhận thức như mong muốn. Nhìn chung, công tác nghiên cứu, đánh giá cộng đồng ở nhiều địa bàn chưa sâu, thiếu những dự báo mang tính dài hạn. Vẫn còn có thành kiến, coi nhẹ vai trò đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào. Nhiều chính sách dành cho kiều bào chưa đạt được đồng thuận cao hoặc chậm được triển khai như các vấn đề về nhà ở, đầu tư, lập hội doanh nhân kiều bào, thủ tục cấp giấy tờ liên quan đến quốc tịch, gốc Việt Nam…Công tác đấu tranh, phân hóa các cá nhân, tổ chức người Việt cực đoan cần được tiếp tục đẩy mạnh với các biện pháp linh hoạt, hiệu quả. Bộ máy tổ chức và kinh phí cho công tác vận động cộng đồng ở trong và ngoài nước còn chưa đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ đặt ra, cơ chế phối hợp, thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được chặt chẽ, đầy đủ và thường xuyên.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư, sắp tới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các cơ quan trong và ngoài nước cùng nhìn lại, đánh giá việc triển khai công tác đối với người VNONN trong 10 năm qua. Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác, những việc làm được và chưa làm được, tìm hiểu nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình, từ đó tiếp tục kiến nghị những phương hướng, chủ trương và biện pháp lớn đột phá về công tác đối với người VNONN trong giai đoạn tiếp theo; các giải pháp, cơ chế cụ thể để tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết, tăng cường sự đồng thuận, hợp tác và phối hợp trong triển khai thực hiện.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về những giải pháp cụ thể để tiếp tục củng cố và tăng cường hiệu quả của công tác đối với người VNONN trong thời gian tới?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Thời gian qua, công tác đối với người VNONN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây thực sự là kết quả nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Đã có nhiều biện pháp mang tính đột phá nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết 36-NQ/TW, có tác động tích cực đến cộng đồng người VNONN.

Thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước triển khai nhiều biện pháp đồng bộ theo hướng:

Tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền quán triệt Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người VNONN nhằm tạo sự thống nhất về tư duy, hành động và phối hợp trong công tác đối với người VNONN trong toàn bộ hệ thống chính trị. Các cơ quan, đoàn thể, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước cần nhận thức sâu sắc công tác đối với người VNONN là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách hiện có và xây dựng mới các văn bản pháp lý góp phần tăng cường hiệu quả công tác về người VNONN: Phối hợp với các cơ quan trong nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp liên quan đến người VNONN theo hướng bình đẳng như công dân trong nước, đáp ứng những lợi ích chính đáng, thiết thân của kiều bào, tạo thuận lợi để họ về Việt Nam du lịch, thăm thân, hợp tác khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Trước mắt, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách, quy định về quốc tịch, mua nhà, cư trú, đầu tư, phát huy, thu hút tiềm năng tri thức của kiều bào.

Tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp, hiệp định song phương, đa phương và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống lâu dài, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, triển khai thí điểm giải quyết vấn đề giấy tờ, địa vị pháp lý của người Việt Nam ở một số địa bàn còn gặp khó khăn.

Các cơ quan đại diện tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với sở tại, xử lý tại chỗ và phối hợp chặt chẽ với trong nước kịp thời kiến nghị hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến cộng đồng. Kết hợp việc cử các đoàn công tác trong nước đến các địa bàn có đông kiều bào để tiếp xúc, vận động, trực tiếp đối thoại với cộng đồng, kể cả những người còn định kiến với ta để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cộng đồng, giúp bà con hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần phân hoá và hạn chế những hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động phong phú thu hút đa dạng thành phần kiều bào như Xuân Quê hương, các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước, đoàn kiều bào thăm Trường Sa, trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào, hội nghị, hội thảo cho doanh nhân, giới truyền thông báo chí, giáo viên dạy tiếng Việt...Nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức hoạt động vận động cồng đồng, tăng cường các hoạt động tập hợp, giao lưu giữa thế hệ trẻ trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức để hướng thế hệ trẻ kiều bào gắn bó với cội nguồn, dân tộc.

Đẩy mạnh công tác thông tin văn hoá, tuyên truyền, tiếng Việt trong cộng đồng người VNONN: Xúc tiến việc đưa VTV4 vào hệ thống truyền hình cáp tại các nước còn lại có đông người Việt, đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước trực tiếp đến cộng đồng, có biện pháp hỗ trợ các cơ quan thông tấn, báo chí Việt ngữ nhằm cung cấp nguồn thông tin chính xác, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước cho bà con. Hỗ trợ các trung tâm văn hoá, sinh hoạt văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc trong cộng đồng, tổ chức đoàn văn nghệ đi biểu diễn phục vụ kiều bào; đáp ứng nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp sở tại, phong tục, tập quán dân tộc và thông lệ quốc tế. Tiếp tục đầu tư cho công tác dạy và học tiếng Việt: cung cấp sách giáo khoa, hỗ trợ xây dựng trường lớp ở các địa bàn khó khăn, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt...nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đảm bảo thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý và đầu mối tổ chức các hoạt động vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương, ở trong và ngoài nước nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và Chính phủ, huy động sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác đối với người VNONN.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Vào khoảng 18 giờ 30 chiều 26/9 (theo giờ địa phương), Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hoà Cuba đã diễn ra trọng thể tại Cung Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển

Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn,...

ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp bất ổn của môi trường bên ngoài

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa những bất ổn của môi trường bên ngoài, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Chiều 25/9 theo giờ địa phương, tức sáng 26/9 giờ Hà Nội, sau khi kết thúc các hoạt động tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời New York đi thăm cấp Nhà nước...

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...