Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Hạn hán đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực ở Zimbabwe. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Từ châu Âu, châu Mỹ cho đến châu Phi, nhiều quốc gia đang chật vật tìm cách ứng phó hạn hán. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính trị giá 340 triệu USD cho người dân Ethiopia sống ở vùng đất thấp bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo WB, trong ba năm qua, vùng đồng bằng của Ethiopia liên tiếp phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại đáng kể về vật nuôi, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân.

Zimbabwe cũng vừa ban bố tình trạng thảm họa vì hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra, khiến hầu hết các tỉnh ở quốc gia châu Phi này bị mất mùa. Giới chức Zimbabwe cho biết, nước này có hơn 2,7 triệu người nguy cơ bị đói trong năm nay và cần hơn 2 tỷ USD để triển khai các biện pháp ứng phó.

Còn tại Mexico, gần 60% diện tích đang hứng chịu tình trạng hạn hán từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Mexico, phần lớn đập, hồ thủy lợi đang có mực nước dưới mức tiêu chuẩn, nhất là tại hai bang phía tây bắc là Sonora và Sinaloa.

Tình trạng thiếu nước cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp và gây gia tăng ô nhiễm ở các quốc gia châu Âu. Hồi tháng 2/2024, chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán tại Barcelona và vùng lân cận.

Người đứng đầu vùng Catalonia Pere Aragones khẳng định, khu vực này đang hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua. Ở Italia, tình trạng thiếu mưa khiến mực nước hồ chứa ở vùng Sicily giảm 23% so với mức trung bình ghi nhận trong 14 năm qua.

Việc cung cấp nước cho các vườn cây cũng bị ảnh hưởng, làm giảm đáng kể sản lượng rượu vang ở vùng Piedmont. Thiếu mưa còn gia tăng mức độ ô nhiễm. Vùng công nghiệp ở miền bắc Italia đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), có khoảng một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng “căng thẳng cao” về nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Báo cáo cũng chỉ rõ, Nam Á có hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nhưng khu vực này vẫn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.

Thực tế này cho thấy thế giới đang đi chệch hướng trong tiến trình đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về bảo đảm nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của nước đối với tương lai nhân loại, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề “Nước cho hòa bình” trong Ngày Nước thế giới năm nay. Liên hợp quốc khẳng định, hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và ngăn ngừa xung đột.

Theo Thư ký Công ước Liên hợp quốc về nước, bà Sonja Koeppel, hơn 60% nguồn nước ngọt là tài nguyên chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia, bao gồm các con sông lớn như sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Mê Công ở châu Á, sông Nile ở châu Phi, vì vậy, hợp tác về các nguồn nước chung đóng vai trò rất quan trọng cho hòa bình.

Tuy các nước đang thúc đẩy chống biến đổi khí hậu và quản lý hiệu quả nguồn nước nhưng cần nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hiện có 153 quốc gia trên thế giới chia sẻ tài nguyên nước chung, nhưng chỉ có 24 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác về các nguồn nước chung này.

Nếu thiếu sự chung tay hành động, tình trạng khan hiếm nước không chỉ đe dọa trực tiếp cuộc sống người dân mà còn có thể là nguyên nhân làm bùng phát căng thẳng, thậm chí châm ngòi cho xung đột.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng người Việt Nam tại Kazan (LB Nga) luôn hướng về quê hương, đất nước

Ngày 25/9, Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga do Đại sứ Đặng Minh Khôi dẫn đầu đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao".

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Quan hệ Mỹ-Việt Nam là minh chứng cho khả năng hòa giải giữa các nước

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam như minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trong chiến tranh trở thành đối tác và bạn bè.

Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka

Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.

Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học báo chí và truyền thông

Trước xu thế hình thành công chúng thế hệ số mới, các cơ sở đào tạo báo chí phải nỗ lực chuyển đổi về phương thức giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu báo chí truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện.

Dân số Singapore vượt mốc 6 triệu người

Tính đến tháng 6/2024, tổng dân số của Đảo quốc Sư tử đạt 6,04 triệu người, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dân số Singapore vượt mốc 6 triệu.